Tông du Bahrain: ĐTC tham dự Bế mạc Diễn đàn Bahrain về Đối thoại

Tại Diễn đàn Đối thoại Bahrain vào sáng Thứ Sáu 4/11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng phản đối chiến tranh, kêu gọi tự do tôn giáo thực sự, nhìn nhận quyền của phụ nữ, bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em và nói về khái niệm quyền công dân. Ngài nhấn mạnh rằng bất cứ khi nào sự thù hận, bạo lực và bất hòa được rao giảng, danh của Thiên Chúa sẽ bị bôi nhọ.

ĐTC tham dự Bế mạc “Diễn đàn về Đối thoại: Đông và Tây vì sự Chung sống của Con người

Thứ Sáu 4/11/2022, ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm Bahrain, Đức Thánh Cha có 3 hoạt động chính: tham dự buổi bế mạc “Diễn đàn về Đối thoại: Đông và Tây vì sự Chung sống của Con người”; gặp các thành viên của Hội đồng Bô lão Hồi giáo; và cuối cùng là gặp gỡ Đại kết và Cầu nguyện cho Hoà bình.

“Diễn đàn về Đối thoại: Đông và Tây vì sự Chung sống của Con người”

“Diễn đàn về Đối thoại: Đông và Tây vì sự Chung sống của Con người” có sự tham dự của các nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhân vật nổi bật từ các quốc gia khác nhau trên thế giới, được tổ chức bởi Hội đồng Bô lão Hồi giáo, Hội đồng Tối cao về Hồi giáo và Trung tâm Toàn cầu Vua Hamad về Chung sống Hòa bình. Với mục đích xây dựng những nhịp cầu đối thoại, các phiên họp trong chương trình của Diễn đàn tập trung vào việc thúc đẩy sự chung sống toàn cầu và tình huynh đệ con người, về vai trò của các tôn giáo và học giả trong việc đối diện với những thách thức của thời đại, về đối thoại liên tôn và về đạt đến hòa bình thế giới.

Nghi thức Cây Hoà bình

Sau khi cử hành Thánh lễ riêng, vào lúc 9 giờ 45 phút giờ Bahrain, tức là 1 giờ 45 trưa giờ Việt Nam, từ dinh thự nơi ngài lưu trú trong chuyến viếng thăm, Đức Thánh Cha đi xe đến Quảng trường Al-Fida, gần Cung điện Hoàng gia Sakhir, cách nơi cư trú 650 mét.

Đến Quảng trường nơi tổ chức Diễn đàn, Đức Thánh Cha được Quốc vương của Bahrain và Đại Giáo trưởng Hồi giáo Ahmad Muhammad Al-Tayyeb của Đại học al-Azhar tiếp đón. Sau đó các vị cùng đi vào ngôi vườn cạnh đó để thực hiện nghi thức Cây Hoà bình, trong đó Đức Thánh Cha đã tưới nước cho một cây cọ được trồng trong vườn.

Sau nghi thức Cây Hoà bình, Đức Thánh Cha với Quốc vương Bahrain và Đại Giáo trưởng Hồi giáo Al-Tayyeb tiếp tục tiến về khán đài trong khi hai máy bay trực thăng treo cờ của Vatican và cờ của Bahrain bay lượn trên Quảng trường.

Diễn văn bế mạc Diễn đàn

Buổi bế mạc Diễn đàn bắt đầu với bài diễn văn của Quốc vương của Bahrain và sau đó là diễn văn của Đại Giáo trưởng Hồi giáo của al-Azhar.

Hai vùng biển – Đông và Tây phương

Tiếp đến là diễn văn của Đức Thánh Cha, trong đó ngài nhắc lại tên Bahrain có nghĩa là “hai vùng biển”. Ngài nhắc lại một câu nói cổ xưa, “Điều mà đất đai chia cắt thì biển hợp lại”, và nói thêm rằng nhìn từ trên cao, “Trái đất của chúng ta trông giống như một vùng biển xanh bao la, nối liền những bờ biển khác nhau. Từ bầu trời, nó dường như nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là một gia đình duy nhất: không phải là các hòn đảo, mà là một quần đảo lớn.” Ngài khẳng định rằng đây là điều mà Đấng Tối Cao muốn đối với chúng ta và Bahrain, một quần đảo gồm hơn ba mươi hòn đảo, có thể tượng trưng cho ước muốn đó.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng chúng ta đang sống trong thời đại được kết nối chưa từng có, nhưng lại chia rẽ nhiều hơn là đoàn kết. Do đó, tên Bahrain có thể giúp chúng ta suy tư: ‘hai biển’ mà nó nói đến là vùng nước ngọt của các suối nước dưới biển và vùng nước lợ của Vịnh. Tương tự như vậy, ngày nay chúng ta thấy mình đang nhìn ra hai vùng biển với hương vị trái ngược nhau: một mặt là biển êm đềm và ngọt ngào của sự chung sống, mặt khác là sự thờ ơ cay đắng, bị ô nhiễm bởi những cuộc đụng độ và bị giao động bởi những cơn gió của chiến tranh, với những đợt sóng tàn phá của nó luôn gây xáo trộn hơn, có nguy cơ vùi lấp tất cả mọi người. Và, thật không may, Đông và Tây ngày càng giống như hai vùng biển đối nghịch nhau. Ngược lại, chúng ta ở đây cùng nhau vì chúng ta có ý định ra khơi trên cùng một vùng biển, chọn con đường gặp gỡ hơn là đối đầu, con đường đối thoại được Diễn đàn này chỉ ra: “Đông và Tây vì sự cùng tồn tại của con người”.

Những hậu quả cay đắng

Sau những cuộc chiến kinh hoàng trong lịch sử, chúng ta lại đang đứng trước bờ vực của một sự cân bằng mong manh và chúng ta không muốn chìm xuống đáy. Theo Đức Thánh Cha, “trong khi phần lớn dân số cảm thấy mình được liên đới với nhau bởi những khó khăn thì một ít người nắm quyền lực lại tập trung vào một cuộc đấu tranh kiên quyết cho lợi ích đảng phái, lặp lại các ngôn ngữ lỗi thời, thiết kế lại các khu vực ảnh hưởng và các khối đối lập. Thay vì chăm sóc cho những điều xung quanh chúng ta, chúng ta đùa với lửa, với tên lửa và bom, với vũ khí gây ra nước mắt và chết chóc, bao phủ ngôi nhà chung bằng tro tàn và hận thù.”

Đức Thánh Cha cảnh báo: “Đây là những hậu quả cay đắng nếu chúng ta tiếp tục nhấn mạnh những mặt đối lập thay vì sự thông hiểu, nếu chúng ta cố chấp áp đặt các mô hình và tầm nhìn chuyên quyền, đế quốc, dân tộc chủ nghĩa và mị dân của chính mình, nếu chúng ta không quan tâm đến văn hóa của người khác, nếu chúng ta không lắng nghe tiếng kêu của dân thường và tiếng nói của người nghèo, nếu chúng ta không ngừng phân chia con người thành người tốt người xấu, nếu chúng ta không cố gắng hiểu nhau và cộng tác vì lợi ích của tất cả. Những lựa chọn này đang ở trước mặt chúng ta. Bởi vì trong một thế giới toàn cầu hóa, chúng ta chỉ tiến bước bằng cách cùng nhau chèo; nếu chúng ta chèo một mình, chúng ta đi chệch hướng.”

Trong khi hy vọng vào cuộc gặp gỡ tốt đẹp và giải quyết những khác biệt giữa phương Tây và phương Đông, Đức Thánh Cha kêu gọi đừng quên khoảng cách giữa miền Bắc và miền Nam của thế giới, đừng bỏ qua sự bất bình đẳng, nạn đói và thảm hoạ biến đổi khí hậu. Đức Thánh Cha kêu gọi sự dấn thân và nêu gương của các nhà lãnh đạo tôn giáo trong việc giải quyết những vấn đề trên, đồng thời đề ra ba thách đố cần giải quyết.

Cầu nguyện

Trước hết là việc cầu nguyện, điều chạm đến trái tim con người. Đức Thánh Cha lưu ý rằng “những bi kịch mà chúng ta đang phải chịu đựng, những chia rẽ nguy hiểm mà chúng ta đang trải qua, và ‘những điều mất cân bằng mà thế giới hiện đại đang gặp phải được liên liên kết với một sự mất cân bằng cơ bản hơn bắt nguồn từ trái tim của con người’. Do đó, rủi ro lớn nhất không nằm ở các đối tượng cụ thể, thực tại vật chất hay thể chế, mà là ở con người chúng ta có khuynh hướng khép mình trong sự non nớt của chính chúng ta, trong nhóm của chúng ta, lợi ích vụn vặt của chúng ta.”

Do đó, Đức Thánh Cha nói, “cầu nguyện là điều cần thiết để thanh tẩy chúng ta khỏi tính ích kỷ, tư duy khép kín, tự quy chiếu, giả dối và bất công. Những người cầu nguyện nhận được sự bình an trong lòng; họ không thể không làm chứng cho điều này và mời gọi những người khác, trên hết là bằng tấm gương của họ, không trở thành con mồi cho một chủ nghĩa ngoại giáo hạ giá con người thành những gì họ bán, mua hoặc giải trí, nhưng ngược lại, khám phá lại phẩm giá vô hạn được ban cho mỗi người.”

Cần tự do tôn giáo thực sự

Để cầu nguyện, Đức Thánh Cha nói rằng cần tự do tôn giáo. “‘Một tôn giáo cưỡng ép thì không thể đưa một người vào tương quan có ý nghĩa với Thiên Chúa’. Bất kỳ hình thức cưỡng bức tôn giáo nào đều không xứng đáng với Đấng Toàn năng, vì Người không giao thế giới cho những nô lệ, nhưng giao cho những sinh vật tự do, những người mà Người hoàn toàn tôn trọng. Vì vậy, chúng ta hãy cam kết đảm bảo rằng sự tự do của các thụ tạo phản ánh quyền tự do tối cao của Đấng Tạo Hóa, đảm bảo rằng những nơi thờ phượng luôn được bảo vệ và tôn trọng ở mọi nơi, và việc cầu nguyện được ủng hộ và không bao giờ bị cản trở.”

Thách đố thứ hai: Giáo dục

Thách đố thứ hai là giáo dục, về cơ bản nó liên quan đến tâm trí. Ngài nhấn mạnh: “Nếu sự ngu dốt là kẻ thù của hòa bình, thì giáo dục là bạn của sự phát triển, với điều kiện là nền giáo dục thực sự phù hợp với nam giới và nữ giới như những sinh vật năng động và có tương quan.” Đức Thánh Cha nói về cách giáo dục tâm trí con người: bằng cách khuyến khích sự hiểu biết lẫn nhau. Bởi vì nói rằng chúng ta khoan dung thôi thì chưa đủ: chúng ta thực sự phải nhường chỗ cho người khác, cho họ quyền và cơ hội. Đây là một cách tiếp cận bắt đầu với giáo dục và nó là một cách mà các tôn giáo gọi là hỗ trợ.”

Ba ưu tiên giáo dục khẩn cấp

Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh ba ưu tiên giáo dục khẩn cấp. Thứ nhất là sự công nhận phụ nữ trong lãnh vực công cộng: cụ thể là quyền “học hành, làm việc, [và] tự do thực hiện các quyền chính trị và xã hội của họ. Thứ hai, “bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em” (sđd), để các em được lớn lên, được đi học, được giúp đỡ và hỗ trợ, để không phải sống trong cảnh đói khát và bạo lực. Thứ ba, giáo dục quyền công dân, để sống trong cộng đồng, trong sự tôn trọng lẫn nhau và luật pháp. Cần có sự cam kết để chúng ta có thể “thiết lập trong xã hội của chúng ta khái niệm về quyền công dân đầy đủ và từ chối việc sử dụng thuật ngữ các nhóm thiểu số theo cách phân biệt đối xử, gây ra cảm giác cô lập và tự ti.

Thách đố thứ ba: Hành động – lên án và chống chiến tranh tôn giáo

Thách đố cuối cùng Đức Thánh Cha đề ra là hành động. Tuyên bố của Vương quốc Bahrain nói rằng bất cứ khi nào sự thù hận, bạo lực và bất hòa được rao giảng, danh của Thiên Chúa sẽ bị bôi nhọ. Đức Thánh Cha khẳng định: “Tất cả những người theo tôn giáo đều bác bỏ những điều này vì chúng hoàn toàn không chính đáng. Họ mạnh mẽ bác bỏ sự báng bổ của chiến tranh và sử dụng bạo lực. Và họ luôn đưa sự từ chối này vào thực tế.”

Hơn nữa, theo Đức Thánh Cha, “tuyên bố rằng một tôn giáo là hòa bình thì chưa đủ; chúng ta cần phải lên án và cô lập những thủ phạm của bạo lực lạm dụng danh nghĩa của tôn giáo. Cũng không đủ khi chúng ta tránh sự bất khoan dung và chủ nghĩa cực đoan; chúng ta cần phải chống lại chúng.” Do đó cần phải ngừng hỗ trợ các phong trào khủng bố được thúc đẩy bằng tài chính, cung cấp vũ khí và chiến lược, và bằng các nỗ lực biện minh cho các phong trào này, thậm chí sử dụng các phương tiện truyền thông.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói rằng những người có tôn giáo, như là những người yêu chuộng hòa bình, cũng phản đối chạy đua vũ trang, chiến tranh thương mại, nhưng ủng hộ tình huynh đệ, đối thoại và hòa bình. Và ngài mời gọi: “Chúng ta hãy theo đuổi con đường này; chúng ta hãy mở rộng trái tim của chúng ta với anh chị em của chúng ta; chúng ta hãy tiếp tục hành trình hướng tới sự hiểu biết và thông hiểu về nhau nhiều hơn. Chúng ta hãy củng cố mối dây liên kết giữa chúng ta, không giả hình hay sợ hãi, nhân danh Đấng Tạo Hóa, Đấng đã đưa chúng ta lại với nhau trên thế giới này như là những người bảo vệ anh chị em của chúng ta.”

Sau khi ký sổ lưu niệm, Đức Thánh Cha lên xe trở về nơi lưu trú để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.

Hồng Thủy – Vatican News