Bài giảng của Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Kính thưa Cộng đoàn,
Giáo Hội Công giáo Việt Nam vui mừng vì có thêm một Giáo phận mới, đó là Giáo phận Hà Tĩnh, bao gồm hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đây là nguyện vọng từ lâu của các vị chủ chăn và mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận Vinh. Vì vậy, đây vừa là niềm vui của Giáo phận con, cũng là niềm vui của Giáo phận Mẹ. Cuộc sinh hạ nào cũng pha lẫn đau đớn và vui mừng. Gia đình Giáo phận Vinh từ trước là một, nay tách ra một phần để làm thành Giáo phận mới. Đó là nỗi đau đớn. Việc thành lập một Giáo phận mới đánh dấu sự trưởng thành và tạo nhiều thuận lợi cho công việc mục vụ, đem lại những hiệu quả truyền giáo. Đó là niềm vui mừng. Việc Đức Cha Phaolô trọng nhậm Giáo phận Hà Tĩnh, vừa cũ vừa mới. Cũ, vì từ hơn 8 năm nay ngài đã làm Giám mục Vinh trong đó có Giáo phận Hà Tĩnh. Mới, vì kể từ nay, ngài là Giám mục tiên khởi của Giáo phận vừa được sinh ra. Vì vậy chúng ta có rât nhiều lý do để chúc mừng Giáo phận Vinh và Giáo phận Hà Tĩnh, chúc mừng Mẹ và chúc mừng Con, đồng thời cầu nguyện cho hai giáo phận được thăng tiến và phát triển.
Trong ngày hân hoan vui mừng này, cộng đoàn phụng vụ chúng ta dâng lễ kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Bổn Mạng của Giáo phận Hà Tĩnh. Như chúng ta biết, trong niên lịch phụng vụ, lễ này được cử hành vào ngày 1-1 dương lịch, tức là ngày đầu năm mới. Giáo Hội tôn vinh Đức Trinh nữ Maria, người phụ nữ đơn sơ khiêm hạ ở thành Nagiarét, là Mẹ Đức Chúa Trời, vì Mẹ đã sinh hạ Đấng Cứu Thế, Ngôi Lời nhập thể. Tước hiệu này vừa diễn tả sự khiêm nhường của Thiên Chúa, vừa cho thấy tình yêu thương bao la của Ngài. Thiên Chúa khiêm nhường, bỏ ngai tòa cao sang để sinh xuống làm người, làm con một người phụ nữ, như Bài đọc II đã khẳng định. Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một mình. Thánh Luca đã kể lại trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe: khi những người chăn chiên hối hả chạy đến xem những gì đã xảy ra, họ thấy đúng như lời sứ thần loan báo, đó là “Bà Maria, ông Giuse và Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Khi tôn vinh Đức Trinh nữ Maria, Giáo Hội cũng mời gọi mỗi người chúng ta noi gương Đức Mẹ, sống đơn sơ khiêm nhường, phó thác cậy tin nơi Chúa Quan phòng, trong mọi hoàn cảnh.
Qua mầu nhiệp nhập thể của Ngôi Lời, Thiên Chúa thực hiện một cuộc sáng tạo mới, mở ra một tương lai tươi sáng, để rồi con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa. Qua việc thiết lập Giáo phận Hà Tĩnh, cộng đoàn dân Chúa nơi đây bước sang một trang sử mới, chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi và cơ hội để thăng tiến đức tin và nỗ lực truyền giáo. Khi tôn nhận Đức Maria Mẹ Thiên Chúa làm Bổn mạng của Giáo phận này, chắc chắn các vị hữu trách muốn phó thác Giáo phận nơi lời cầu bầu hiền mẫu của Đức Mẹ, đồng thời cũng mong muốn Giáo phận này luôn như một người mẹ ấp ủ đoàn con, như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, để quy tụ và dẫn đưa về quê trời. Theo giáo huấn của Công đồng Vatican II, mỗi cộng đoàn Giáo Hội địa phương đều là một phần của Giáo Hội hoàn vũ, nơi đó có trọn vẹn Giáo Hội với bốn đặc tính: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Như thế, Giáo phận Hà Tĩnh của chúng ta cũng phản ánh đầy đủ hình ảnh thân thể huyền nhiệm của Đức Giêsu, gồm nhiều chi thể khác nhau, nhưng cùng chia sẻ một sứ mạng là loan báo Tin Mừng, và cùng chung tình hiệp thông để nối kết với 26 Giáo phận khác trong nước, để cùng vươn xa tới tình hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ.
Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa cũng là ngày Thế giới cầu nguyện cho hòa bình. Hòa bình là niềm ước vọng của con người, từ khi hiện hữu trên trái đất. Hài Nhi Giêsu giáng sinh tại Belem chính là Hoàng tử Hòa bình. Người đến để thiết lập hòa bình giữa Thiên Chúa và con người. Người cũng kêu gọi con người hãy xây dựng hòa bình khởi đi từ chính tâm hồn cá nhân mỗi người, để đón nhận Chúa và đón nhận anh chị em mình. Một khi tâm hồn được bình an, chúng ta có thể cầu nguyện như Thánh Phanxicô, vị thánh nghèo quê ở Assisie: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”.
Khi tôn vinh Đức Maria trong ngày ra mắt chính thức Giáo phận mới Hà Tĩnh và ngày khởi đầu sứ vụ Giám mục của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, chúng ta cầu nguyện cho Giáo phận này được bình an. Theo các dữ liệu thống kê, Giáo phận Hà Tĩnh có diện tích 14.091 km2; 278.559 tín hữu Công giáo, trên tổng dân số 2.137.505 người, chiếm 13,03% dân số. Để phục vụ đoàn chiên Hà Tĩnh, có 135 Linh mục, 19 Tu sĩ nam, 188 nữ tu và 56 chủng sinh đang được đào tạo tại Đại chủng viện thánh Phanxicô Xavier. Với con số nhân sự như trên, chúng ta thấy đây là một Giáo phận có nhiều hứa hẹn cho một công cuộc truyền giáo mới, mở ra một trang sử đầy triển vọng, hướng tới tương lai.
Hà Tĩnh cũng là dẻo đất khô cằn, “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, lũ lụt thiên tai thường xuyên. Được tôi luyện trong điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khắt nghiệt, con người nơi đây trở nên kiên cường và mạnh mẽ. Trong bài phỏng vấn Vatican News sau khi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Hà Tĩnh, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã nhận định: “Trên mảnh đất khô cằn này, suốt bề dày của lịch sử, nhất là thời bao cấp, người dân phải gồng mình lên để sống và để làm chứng cho niềm tin”. Khi được hỏi về những ưu tư trong sứ vụ Giám mục, Đức Cha Phaolô đã cho biết: ưu tư hàng đầu của ngài là giáo dục và tạo việc làm cho giới trẻ. Vị chủ chăn không khỏi đau lòng khi chứng kiến số đông con cái mình phải đi tìm kiếm việc làm ở các thành phố lớn trong nước và ở nước ngoài. Vì lo thoát nghèo và vì mưu sinh, nên phần lớn bạn trẻ chỉ học tốt nghiệp trung học phổ thông. Đây là những bế tắc chưa tìm được giải pháp, vì thế cánh cửa tương lai vẫn chưa thực sự mở ra cho giới trẻ. Chia tay Giáo phận Vinh sau 8 năm gắn bó, vẫn còn đó những giấc mơ chưa tròn, như ngài tâm sự trong thánh lễ chia tay ngày 22-1-2019, đó là Công trình Thánh địa Trại Gáo, Cầu Rầm, trường cho người khiếm thị, trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc người nghèo, người khuyết tật…
Cùng với ưu tư về đời sống văn hóa, nghề nghiệp và đức tin của giới trẻ, Đức Giám mục Hà Tĩnh cũng nói lên những lo lắng về hòa bình và quyền lợi của người dân, nhất là những người nghèo tại mảnh đất khô cằn và hằng năm bão giông lũ lụt. Với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam từ 8 năm nay, ngài đã nỗ lực cố gắng nói lên tiếng nói của người nghèo, để bảo về quyền lợi của họ và mong cho họ được đối xử công bằng. Với châm ngôn đời Giám mục “Sự thật và tình yêu”, Đức Cha Phaolô đã thực hiện chức năng ngôn sứ, can đảm dấn thân phục vụ mọi người, chứng minh những giá trị Tin Mừng và giới thiệu giáo huấn của Giáo Hội Công giáo trong lãnh vực xã hội. Người thực hiện chức năng ngôn sứ bao giờ cũng trải qua những thương đau và chống đối, nhưng quyền năng Chúa luôn ở với họ. Những ưu tư của Đức Cha Phaolô cũng là hướng đi của Hội đồng Giám mục Á châu, được thể hiện qua, vị Tân Chủ tịch của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), Đức Hồng y Charles Bo. Trong một bài phát biểu mới đây, ngài đã phác họa lộ trình 5 điểm cho Giáo hội tại Châu Á với các mục tiêu: công lý, hoà giải, quyền của người bản địa và đối thoại để đạt được công lý, hoà bình và thịnh vượng cho mọi người (Nguồn: Website của Hội đồng Giám mục VN). Lộ trình này nhằm đưa Giáo Hội Công giáo tại Á châu đẩy mạnh việc hòa giải như một cuộc Tân Phúc âm hoá. Đem giá trị của Tin Mừng chiếu rọi vào các nền văn hóa phong phú như một “bức tranh khảm” muôn màu muôn vẻ của châu lục này.
“Có nơi mô như miền quê ta. Miền đất quanh năm bao mùa nắng gió, thương cha một đời gập ghềnh bờ đê, nắng trũng hai vai mưa thâm mắt cá, cho cây lúa vẫn xanh dưới trời chang chang. Có nơi mô như người quê ta, thương nhau quả cà cùng chia làm ba, yêu nhau em gửi qua câu dân ca, sông La có cạn núi Hồng hết cây, thì em vẫn nỏ hết tình” (Về Hà Tĩnh người ơi – Tg Xuân Thủy). Câu ca này diễn tả nỗi nghèo của miền quê đất cằn gió nóng, đồng thời cũng cho thấy tình người đậm đà gắn bó keo sơn. Tình người nơi đây sẽ được thăng hoa và đậm đà hơn nữa, nếu được thấm nhuần chất men của Tin Mừng. Chúng ta cầu nguyện cho sứ vụ của Đức Cha Phaolô tại mảnh đất này đem lại những hiệu quả tốt đẹp. Cầu nguyện cho Giáo phận Hà Tĩnh sẽ có những mùa gặt bội thu, để rồi “đi mô ta cũng nhớ về Hà Tĩnh”, vì trên mảnh đất khô cằn và nghèo nàn này, đức tin sẽ tỏa sáng, hòa bình, công lý, sự thật và tình yêu sẽ nở hoa và tỏa sắc khoe hương.
Lời chúc mừng của Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam nhân ngày thành lập giáo phận Hà Tĩnh
Hôm nay là ngày công bố thành lập Giáo phận Hà tĩnh đồng thời là ngày tựu chức của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp. Ngày mai, tại nhà thờ Chính Toà Xã Đoài, Nghệ An, Đức Cha Alphongsô Nguyễn Hữu Long, sẽ tựu chức Giám mục Giáo phận Vinh. Hai biến cố chỉ cách nhau có một ngày cốt là để thuận tiện cho việc đi lại, nhưng sâu xa hơn, hai biến cố đều có chung một mẫu số: Giáo phận Vinh được tách làm đôi.
Thực ra giấc mơ chia tách giáo phận đã có từ thời Đức cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp. Rất tiếc là giấc mơ chưa thành thì ngài đã qua đời. Người sau đó tiến hành thủ tục chia tách chính là Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đang hiện diện trước mặt chúng ta đây. Chính ngài đã xây dựng ngôi nhà thờ Văn Hạnh này làm nhà thờ chính toà và làm cơ sở nền tảng cho Giáo phận mới.
Ngài được mệnh danh là vị Giám mục trên từng cây số. Hộ khẩu thường trú là xe chứ không phải nhà. Bây giờ tuổi ngài đã cao nhưng sức ngài vẫn chưa yếu. Hiện ngài đang hưu dưỡng tại Nghệ An, không biết sắp tới đây ngài có về giúp Hà Tĩnh không, nhưng chúng con tin rằng ngài vẫn tiếp tục để lại dấu ấn và luôn sẵn sàng có mặt trên từng cây số cả hai Giáo phận máu thịt của ngài.
Kính thưa Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp,
Đức cha là Giám mục tiên khởi của Tân Giáo Phận Hà Tĩnh. Bỗng dưng con có ý nghĩ tên của Đức cha rất đẹp nhưng lại là một nghịch lý. Thái là cắt ra từng mảnh. Hợp là liên kết lại. Đã thái ra rồi thì không thể hợp lại nữa thưa Đức cha.
Thế mà trong ngày lịch sử này con lại thấy thái rồi vẫn hợp được. Có người bảo rằng ở các nước tiên tiến, người ta văn minh đến độ dẫn một con bò đến một chiếc máy, chỉ cần đẩy nó vô đó là mấy phút sau nó thành thịt bò đóng hộp.
Nhưng văn minh như thế không ăn thua. Việt Nam chưa phải là nước tiên tiến, nhưng người Việt Nam thì thông minh không ai bì kịp. Trong một tương lai không xa, người Việt Nam chỉ cần bỏ thịt bò hộp vô máy, lập tức nó sẽ đùn ra đầu kia một con bò sống rừng rực sức khoẻ, có thể dẫn đi cày được ngay.
Chắc có người thầm nhủ ông này là Giám mục mà nổ Trảng Bom. Nói thế là nói phét. Làm gì lại có chuyện như thế.
Có lẽ tôi lấy ví dụ hơi vụng về. Nhưng ý tôi chỉ muốn nói rằng lịch sử Giáo Hội luôn là một quá trình biện chứng giữa tan rồi hợp. Hay nói cho cụ thể: thái xong rồi hợp, thái ra để hợp lại.
Năm 1659 Việt Nam chỉ có hai Giáo phận: Đàng Trong và Đàng Ngoài. Thế mà theo dòng thời gian, hai Giáo phận đó dần dà đã được thái nhỏ ra thành 26 Giáo phận, nay thêm Hà Tĩnh nữa là 27 Giáo phận. Điều kỳ diệu là mỗi lần thái nhỏ ra là mỗi lần Giáo Hội lại biến thành một khối hiệp thông mới.
Trong thánh lễ đón tiếp vị chủ chăn mới của Giáo phận Hà Tĩnh ngày 23/01/2019, cũng tại nhà thờ này, tất cả những bài phát biểu đều đã đề cao tình hiệp thông. Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp phân tích rằng Nghệ Tĩnh Bình, vốn là đất cày lên sỏi đá, “mưa thối đất, nắng đỏ trời”, đã trở thành xinh tươi màu mỡ nhờ sự hợp lực của mọi tầng lớp và mọi thế hệ Kitô hữu. Đức cha Alphong Nguyễn Hữu Long khẳng định rằng Nghệ An, Hà Tĩnh giống như anh em ruột thịt tuy hai mà một. Cha Phanxicô Xaviê Hoàng Sỹ Hướng đại diện cho giáo phận Vinh đã ví von đại cuộc Hà Tĩnh sẽ êm thấm như cảnh thuận vợ thuận chồng tát cạn biển đông. Cha Phêrô Trần phúc Chính, thay lời cho đại gia đình Hà Tĩnh đã thân thưa với Đức cha Phaolô tân nhiệm rằng giáo phận mới là một con thuyền các thuỷ thủ chèo chống nhịp nhàng dưới quyền điều khiển của một vị giám mục thuyền trưởng duy nhất.
Nhiều cách diễn tả khác nhau, nhưng tất cả đều tuyên xưng và tôn vinh tình hiệp nhất, tất cả đều cam kết chung lưng đấu cật xây dựng toà nhà Giáo Hội.
Đúng như ý nghĩa của kẹo cu đơ. Bao nhiêu thăng trầm lịch sử, bao nhiêu loại bánh cạnh tranh nhưng kẹo ta vẫn cứ hiên ngang với thời gian.
Dòng sông Cả từ đây chia Giáo Phận Vinh thành đôi bờ ngăn cách. Nhưng cầu Bến Thuỷ vẫn còn đó, lúc nào cũng nối liền hai khối yêu thương. “Bao giờ ngàn Hống hết cây, sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình”. Tình cũng là bí quyết Đức cha Phaolô Hà Tĩnh chọn làm châm ngôn Giám mục.
Hà Tĩnh là “địa linh nhân kiệt”, quê hương của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, chí sĩ Phan Đình Phùng, nhà văn hóa Hoàng Xuân Hãn, nhà sử học Trần Trọng Kim, nhà thơ Xuân Diệu, Cù Huy Cận v.v…
Thay lời cho HĐGM, con kính chúc Đức cha sẽ là một danh nhân công giáo kiệt xuất đi vào lịch sử của Hà Tĩnh.
Cuối cùng, trong bầu khí mùa xuân vẫn còn quanh quẩn đâu đây, tôi cầu chúc mọi người, mọi thành phần dân Chúa đang hiện diện, cách riêng Dân Chúa Hà Tĩnh một tương lai tươi sáng tuyệt vời như mùa mùa Xuân Giáo Hội.
Trân trọng cám ơn,
Pet. Duy Lượng
Theo nguồn: http://giaophanhatinh.com