Giờ này đây, ngày này đây, dịp mừng 80 năm thành lập Giáo Phận, tưởng nghĩ đây là tâm tình thích hợp nhất để cả Giáo Phận Vĩnh Long hát lên tâm tình đó. Nói gì bây giờ khi nhìn lại 80 năm qua là 80 năm hồng ân mà Chúa đã thương ban trên giáo phận nhỏ bé Vĩnh Long
Lời tạ ơn con dâng lên Chúa
Khi nắng hồng vừa mới lên
Khi hoàng hôn đang xuống dần
Vì ngàn hồng ân như muôn lớp sóng
Chúa tuôn đổ trên Giáo Phận Vĩnh Long
Tháng năm hoài mãi miên màn....
Giờ này đây, ngày này đây, dịp mừng 80 năm thành lập Giáo Phận, tưởng nghĩ đây là tâm tình thích hợp nhất để cả Giáo Phận Vĩnh Long hát lên tâm tình đó. Nói gì bây giờ khi nhìn lại 80 năm qua là 80 năm hồng ân mà Chúa đã thương ban trên giáo phận nhỏ bé Vĩnh Long.
Suốt chặng đường dài của lịch sử cũng như trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, Thiên Chúa đã ôm trọn Vĩnh Long trong lòng mình. Chúa đã thương ban cho Giáo Phận mỗi giai đoạn một vị Chủ Chăn phù hợp để dẫn đưa con thuyền của Giáo Phận. Hình ảnh nhân từ của các vị Chủ Chăn kính yêu của Giáo Phận vẫn còn đâu đó trong lòng và trong tim của đoàn chiên.
Gần đây nhất, vị chủ chăn đáng kính hiền lành là Đức Cha Tôma đã về nhà Cha nhưng những gì cố gắng hết sức Đức Cha đã làm cho Giáo Phận. Rất trân trọng khi Đức Cha để tâm đến những linh mục già cao niên và hơi tàn sức kiệt. Đức Cha ước nguyện xây dựng nhà hưu dưỡng cho các linh mục nhưng lại không có tiền. Lần kia, gặp một gia đình quảng đại và rất thương Đức Cha. Gia đình ấy nhỏ lời mời Đức Cha đi chơi một vòng trời Tây nhưng Đức Cha từ chối. Đức Cha nói Giáo Phận còn nghèo và nhà hưu chưa có nên Đức Cha không dám đi. Hiểu được lòng và thao thức Đức Cha đang ấp ủ, thế là gia đình ấy âm thầm phụ Đức Cha lo Nhà Hưu trong âm thầm kín kẽ không khoe khoang. Nhà Hưu vừa hoàn tất cùng lúc Chúa thấy Đức Cha hoàn thành nhiệm vụ và gọi về với Chúa.
Và, Không thể quên hình ảnh, cách sống hết sức khiêm tốn của một Đức Ông mang tên Nguyễn Văn Tài với thánh hiệu Phêrô. Đức Ông là cây đại thụ truyền Thoòng Công Giáo của Giáo Hội. Di sản Đức Ông Phêrô để lại cho Giáo Hội và Vĩnh Long rất nhiều. Đặc biệt là tấm lòng khiêm hạ và cung cách sống hiền từ của Đức Ông. Ai nào đó ghé lại quê nhà và đến thăm gia đình của Đức Ông sẽ thấy một minh chứng hung hồn cho một lối sống bình dân.
Thế đó ! Không tạ ơn sao được. Không tạ ơn Chúa quả là điều thiếu sót.
Sau những năm Đức Cha Toma về nhà Cha, Giáo Phận ôm trọn niềm thương nhớ và trống vắng vô cùng.
Thế nhưng rồi trong nỗi trống vắng ấy Chúa lại lấp vào một người khác hết sức khiêm nhường và “khù khờ” là Cha Phêrô Dương Văn Thạnh. Cha đã cố gắng hết sức mình chăn dắt Giáo Phận khi Giáo Phận tìm vị Chủ Chăn mới. Hình ảnh cha già “khù khờ” vẫn còn ở lại trong lòng nhiều tu sĩ linh mục và cộng đoàn dân Chúa.
Bao ngày thổn thức, bao ngày chờ mong ...
Thì Chúa lại chọn “chàng Dân Chài Phêrô”. Thật sự vì lòng yêu thương Giáo Phận và vâng theo Thánh ý Chúa nên cha Phêrô Huỳnh Văn Hai đã gật đầu thưa tiếng “xin vâng”.
Khi Thiên Chúa cần một người cha cho dân của mình, Người đã chọn một cụ già. Thế là Abraham đứng lên.
Thiên Chúa cần một người phát ngôn, Người lại chọn một anh chàng vừa nhút nhát vừa có tật nói ngọng. Thế là Môisen đứng lên.
Thiên Chúa cần một thủ lãnh để hướng dẫn dân của mình, Người lại chọn một cậu thanh niên nhỏ nhất và yếu nhất trong nhà. Thế là Đavid đứng lên.
Thiên Chúa cần một tảng đá làm nền cho ngôi nhà Giáo Hội, Người đã chọn một anh chối đạo. Thế là Phêrô đứng lên.
Thiên Chúa cần một khuôn mặt để diễn tả tình Người cho nhân thế. Người lại chọn một cô gái điếm. Đó là Maria Mađalêna.
Thiên Chúa cần một chứng nhân để hô vang sứ điệp của mình. Người lại chọn một kẻ bắt đạo. Đó là Phaolô gốc thành Tarsô.
Thiên Chúa cần một ai đó để dân Người được quy tụ và đi đến với những người khác.
Người đã chọn ngươi. Cho dù run sợ, lẽ nào ngươi không đứng lên đáp lại lời Người.
Và rồi cha Phêrô Huỳnh Văn Hai đã đứng lên để lãnh trọng trách dìu dắt Giáo Phận. Ý thức tên Thánh mà Ông Bà Cố chọn và với thao thức ấp ủ trong lòng mộng mị truyền giáo nên Cha đã chọn cho mình khẩu hiệu “Ra khơi và thả lưới”.
Thế là ngày 11 tháng 12 năm 2017, Giáo Phận Vĩnh Long được Chúa thương chọn một “Dân Chài Phêrô” hay còn gọi cái tên hết sức thân thương là “Đức Cha chăn vịt”.
Ai nào đó đã hơn một lần gặp gỡ, tiếp xúc đều nhận ra nơi Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai một tấm lòng mục tử hiền lành, khiêm nhường và ít nói.
Khi nhìn lại đời mình và hồng ân Chúa chọn, Đức Cha Phêrô hết sức khiêm tốn đã nhiều lần khoe và tự nhận mình là “Đức Cha chăn vịt”. “Chàng chăn vịt” ấy đã nêu gương khiêm hạ chứ không hề có ý tưởng ăn trên ngồi chốc và kèm theo cung cách sống ấy, tâm tình ấy, Đức Cha nói : “Giám Mục là bổn phận và trách nhiệm”.
Với tên gọi thân thương “Giám Mục Chăn Vịt”, Đức Cha muốn mọi người hiểu rằng đó là hồng ân mà Chúa ban tặng cho Đức Cha cũng như tấm lòng của Đức Cha để càng tạ ơn Chúa và trân quý Đức Cha hơn. Khi gọi “Đức Cha Chăn Vịt” là bày tỏ lòng trân quý nơi một ơn gọi, nơi một sứ mạng hết sức cao quý mà thiên Chúa đã chọn và trao cho Đức Cha.
Đến hôm nay, 8 tháng 1 năm 2018 nghĩa là sau 2 năm 27 ngày trong sứ vụ Giám Mục, Đức Cha cùng với toàn thể Giáo Phận có cơ hội để mừng 80 năm thành lập.
Cũng hết sức khiêm tốn, sau những lời đề nghị làm thế này thế kia nhưng Đức Cha vẫn chọn phương cách nhẹ nhàng và trầm lắng để tổ chức ngày mừng này. Với Đức Cha, không phải để phô trương, để khoe mẽ nhưng chỉ để tạ ơn và nhắc nhau sống tốt hơn sứ vụ mà Chúa trao phó cho mỗi người.
Khi nhắc đến hồng ân mà Chúa ban cho Giáo Phận mà không nhắc đến Cha Tổng Đại Diện – Đức Ông Barnabê phải chăng cũng là một thiếu sót. Sau hơn 40 năm trời phục vụ ở Roma, Đức Ông ở cái tuổi nghỉ hưu nhưng với lòng mục tử và đặc biệt thương Vĩnh Long nên Đức Ông lại trở về quê nhà để tiếp tục phục vụ Giáo Phận trong những ngày còn lại của đời mình.
Và, nhắc đến Đức Ông, chúng tôi, xin nói rằng chả có gì để nhắc vì chả được Đức Ông đứng lớp, ban huấn từ, giảng dạy … nhưng thật sự điều mà chúng tôi mãi nhắc đó chính là sự khiêm nhường. Ở độ tuổi gần gấp đôi chúng tôi và trong cương vị là Tổng Đại Diện của một giáo phận nhưng rồi Đức Ông cứ 1 tiếng xưng “con”, hai tiếng “xưng” con khi nói chuyện với những người trẻ hơn mình rất nhiều. Phải chăng không dạy nhưng cung cách khiêm nhường là bài học lớn nhất mà Đức Ông đã trao ban cho chúng tôi, những kẻ bé hèn nhỏ mọn.
Dưới 2 vị lãnh đạo tinh thần lớn mà hiện tại Chúa ban cho Giáo Phận thì có gần hai trăm linh mục Dòng cũng như Triều đang hoạt động trong Giáo Phận. Cạnh đó, cũng có cả ngàn tu sĩ nam nữ đan lan tỏa trên cánh đồng truyền giáo của Giáo Phận. Rồi Chúa lại ban Giáo Phận có Trung Tâm Hành Hương La Mã Bến Tre, Trung Tâm Hành Hương Đình Khao, Trung Tâm Hành Hương Fatima, Đức Mẹ Xứ Dừa (Cái Nhum) …Đó là những di sản lớn lao mà Chúa thương ban cho Giáo Phận.
Điều lớn hơn những di sản vật chất đó chính là hai vị Thánh của Giáo Phận đó là Thánh Philipphê Phan Văn Minh và PhêrôNguyễn Văn Lựu cùng các bậc đáng kính. Chính dòng máu tử đạo anh hùng của các Đấng đã làm trổ sinh hoa trái là một Vĩnh Long yêu mến như ngày hôm nay.
Với tất cả tâm tình hết sức vắn gọn đó dư để tất cả mọi người chúng ta, mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Phận Vĩnh Long dừng lại để tạ ơn Chúa.
Và hơn hết, tâm tình tạ ơn Chúa đó, trong Kinh Nguyện Thánh Thể IV nhắc nhớ chúng con : “Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con”
Tất cả vì ơn cứu độ và với ơn cứu độ.
8 giờ 00, cộng đoàn cùng hiệp thông trong giờ diễn nguyện để nhìn lại lịch sừ cũng như hồng ân Thiên Chúa suốt 80 năm qua trải dài trên giáo phận Vĩnh Long.
10 giờ 00, cộng đoàn và ca đoàn cùng cất tiếng ca để đón đoàn đồng tế. “Nhịp nhàng vui bước đi lên đền thánh Ngài. Dâng câu ca ngợi tình thương Chúa chan hoà. Đây con dâng Ngài niềm tin mến thiết tha. Thu qua Đông tàn lòng thành quyết không phai nhoà. Về nhà Chúa ôi lòng đầy rộn rã. Cất câu ca con thấy lòng an hoà. Trong tình yêu của Thiên Chúa là Cha, con cảm tạ ôi tình Cha muôn vàn…”
Đoàn đồng tế Thánh Lễ sáng nay có các cha trong và ngoài Giáo Phận Vĩnh Long. Chủ tế Thánh Lễ sáng nay là Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Tổng Giám Mục Giáo Phận Huế - Giám quản Giáo Phận Thanh Hóa - Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Quý Đức Cha cùng đồng tế với Đức Tổng Giuse có Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai và 13 Đức Cha thuộc Giáo Tỉnh miền Nam.
Về phần giáo dân có rất đông giáo dân đến từ khắp các họ đạo trong Giáo Phận. Hiệp thông trong Thánh Lễ này có quý tôn giáo bạn và đại diện Chính Quyền.
Sau khi đoàn đồng tế an vị trong ngôi nhà Mẹ của Giáo Phận, Đức Ông Barnabe công bố Phép Lành Tòa Thánh.
Và sau đó, Cha Mat. Tấn Thụy – dẫn Lễ - đã giới thiệu quý Đức Cha hiện diện trong Thánh Lễ hôm nay.
Vị chủ chăn Giáo Phận Vĩnh Long : Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai được giới thiệu sau cùng với tấm lòng hết sức ưu ái của Giáo Phận cũng chính là Trưởng Ban Tổ Chức cho Thánh Lễ mừng 80 năm hôm nay.
Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai đại diện cộng đoàn dâng hương tưởng niệm quý Đức Cha tiền nhiệm đã về với Chúa.
Mở đầu Thánh Lễ, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh ngỏ với cộng đoàn : « Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, giờ đây còn lại tâm tình tạ ơn. Ngày khai sinh Giáo Hội là ngày khởi đầu chặng đường của Hồng Ân. Giáo Phận tổ chức Thánh Lễ này bày tỏ lòng tri ân Thiên Chúa. Thiên Chúa quan phòng nhưng Ngài không thực hiện một mình, bao nhiêu hiền nhân đã đóng góp cuộc đời giúp Giáo Phận Vĩnh Long. Hôm nay chúng ta cũng xin Chúa trả công bội hậu cho các vị tiền nhiệm … xin dâng tình hiệp thông của chúng ta. Giáo Phận Vĩnh Long cũng hướng về ngày mai, ngày mai cũng là ngày phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa để con thuyền Giáo Phận Vĩnh Long vững bước trên con đường ngày mai … Chúng ta còn nhiều thiếu sót, chúng ta xin Chúa tha thứ cho chúng ta.
Trong bài chia sẻ, Đức Cha Phêrô hết sức khiêm tốn : “Giáo Phận chúng ta như 10 người phung hủi … giống như họ, chúng ta kêu cầu Chúa Giêsu. Đó là điều duy nhất Giáo Phận chúng ta cầu xin lòng thương xót của Ngài để Ngài giúp cho Giáo Phận chúng ta làm những điều tốt lành.
Giáo Phận chúng ta cũng bị thử thách đức tin …
Giáo Phận chúng ta bị thử thách nhưng biết ơn.
Lời cầu xin của Giáo Phận chúng ta khẩn thiết, kéo dài nhưng lời tạ ơn của chúng ta quá đơn giản … chúng ta xin lỗi Chúa.
Chúng ta cùng nhau biết ơn và cảm tạ.
Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa cách nào ? Tạ ơn bằng lời cầu nguyện, ngợi khen … tạ ơn Chúa khi rao giảng, làm mục vụ không kể công với Chúa. Hành động tạ ơn của Giáo Phận chúng ta phải được cảm hứng từ quan điểm đức tin của chúng ta.
Trước khi kết thúc, Đức Cha nói : « Xin Chúa ban phúc lành cho Giáo Phận chúng ta hôm nay và mãi mãi ».
Sau lời nguyện hiệp Lễ, Đức Ông Barnabe Nguyễn Văn Phương – Tổng Đại Diện thay mặt Đức Cha Phêrô và giáo phận ngỏ đôi lời cảm ơn quý Đức Cha, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, quý khách và anh chị em tín hữu giáo dân.
Sau lời cảm ơn của Đức Ông là chút quà nhỏ của Giáo Phận gửi đến quý Đức Cha.
Và rồi Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh đã có đôi lời chúc mừng Giáo Phận.
Sau Thánh Lễ tạ ơn, cộng đoàn đã dùng chung với nhau bữa cơm thân mật và đạm bạc. Bữa cơm nói lên tình huynh đệ, hiêp thông với nhau trong mọi vui buồn sướng khổ của cuộc sống nhất là của đời sống nhân chứng đức tin.
Ngày đại Lễ mừng 80 năm thành lập Giáo Phận Vĩnh Long khép lại nhưng hành trình mới lại mở ra cho Giáo Phận từ vị chủ chăn cho đến từng con chiên dù là chiên bé mọn nhất trong Giáo Phận.
Những ước mong mọi người cùng cộng tác, hiệp nhất, yêu thương nhau nhất là “Hãy ra chỗ nước sâu để thả lưới” như tâm tình của Đức Cha Phêrô kính yêu. Và thả lưới bằng đời sống bác ái yêu thương như tâm tình của Đức Ông Barnabê đáng kính của Giáo Phận. Chúng tôi vẫn nhớ trong nhiều bài giảng và những lần gặp gỡ, Đức Ông luôn nhắc và dạy chúng tôi về bài học bác ái mà trong ngày cánh chung Chúa đòi hỏi : chia cơm sẻ áo cho người nghèo, thăm viếng kẻ tù đày, cho kẻ rách rưới ăn mặc …
Tạ ơn Chúa đã thương ban cho Giáo Phận những vị Chủ Chăn nhiệt thành và khiêm tốn, trầm lắng nhưng sâu đậm để hướng dẫn, dìu dắt con thuyền Vĩnh Long. Xin Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống và nguồn mạch mọi ơn đến và thổi vào Giáo Phận một luồng gió mới, một luồng gió nhiệt thành truyền giáo và yêu thương bác ái. Xin Chúa thương đã gìn giữ Giáo Phận trong suốt 80 năm qua thì tiếp tục ôm ấp Vĩnh Long trong những năm tháng sắp tới.
Chúng con xin trao vào tay Chúa Vĩnh Long nhỏ bé của chúng con.
Nguồn: giaophanvinhlong.net