ĐỀN THÁNH TRUNG LAO : CHỈ CÒN TRONG KÝ ỨC VÀ …

 Hơn một ngày qua, trên các trang mạng Công Giáo cũng như Xã Hội đưa rất nhiều bản tin về Trung Lao. Tất cả cũng tựu trung vào biến cố đau thương của đêm trước ngày Chúa Hiển Dung và chỉ nửa giờ nữa là đến ngày mà cả Giáo Hội mừng Chúa Hiển Dung. Hẳn nhiên, đứng trước biến cố đau thương này, không chỉ Giáo Phận Bùi Chu, Đền Thánh Trung Lao mà tất cả những ai là người Công Giáo đều ngậm ngùi chua xót. Chua ở đây là công trình cổ kính này hiện diện đã hơn 130 năm qua và xót ở đây là dù có phục chế như vài ý kiến đưa ra thì vẫn không còn nét cổ kính và đẹp của ngôi đền thờ nguyên thủy. Đứng trước biến cố đau thương này, ta có thể nhìn và đưa vào chiều kích tâm linh để suy nghĩ. Rõ ràng không ai muốn Trung Lao bị cháy nhà thờ và sự thật đau lòng là đã cháy. Cháy Đền Thờ có thể nói là hy hữu trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, trừ khi bị kẻ xấu đốt hay đập phá vì lý do này hay lý do khác. Ở Trung Lao, ý tưởng đó không được đưa vào và nhiều người cho nguyên nhân gần nhất và sâu xa nhất là chập điện bởi lẽ đám cháy bắt đầu từ gian cung Thánh và lan đi rất nhanh. Đền Thờ nay không còn nữa và rồi ta lại được mời gọi nhìn đến cái Đền Thớ Giêrusalem trên Trời – nơi mà người Kitô hữu chúng ta hằng cánh cánh trong lòng cũng như mơ ước sau khi rời cõi tạm này. Nói đến đây, bỉ nhân nhớ đến 1 đoạn rất ngắn trong Tin Mừng Gioan : Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” Người Do-thái nói: “Đền thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?” Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói. Nhìn vào thực trạng Giáo Hội ngày nay, có điều gì đó ngại nói và không dám nói. Có những ngôi nhà thờ cao chót vót và trị giá đến hàng trăm tỷ đồng. Những nơi đó, Chúa ở sao cao sang quá và Chúa hạnh phúc quá ! Ngược lại, nhiều nơi lại xây nhà thờ khi nhà thờ đổ nát hoặc không còn khả năng phục vụ theo nhu cầu của họ đạo để rồi muốn xây nhà thờ thì phải có tiền. Hản nhiên khi không có tiền thì tìm cách kiếm tiền. Chính từ đó, nếu không khéo, tiền có thể làm mất sự trong sáng của tâm hồn, làm của lễ vương khói trần gian. Lịch sử Giáo Hội đã trải qua những đoạn đường tăm tối vì nhà thờ. Không thời kỳ nào Giáo Hội xây nhiều nhà thờ, xây huy hoàng như thời trung cổ. Khi Giáo Hội cần tiền xây nhà thờ, nhiều nơi đã bán ân xá lấy tiền. Ai càng mua nhiều thì càng được bảo đảm phần rỗi linh hồn. Luther nhận thấy đường lối sai lầm ấy, đã chống lại, đã tranh luận, đã chia rẽ. Có nhiều lý do để Luther ly khai khỏi Giáo Hội, nhưng một trong những lý do lớn đó cũng chỉ vì cần tiền để xây nhà thờ. Ai nào đó được đến nhà thờ Chính Tòa của Mỹ ở tiểu bang New-York thì thật kinh hoàng khiếp vía hay nhiều nhà thờ khác nữa của những nước giàu thì nguy nga. Nhà thờ của những dân tộc thiểu số nghèo thì lợp lá, vách đất, mưa dột. Ngày hôm nay, thế giới vẫn ngưỡng mộ Ganhdhi vì tinh thần bất bạo động của ông. Tinh thần hòa bình này chẳng xa gì tinh thần của Chúa Kitô. Gandhi đã suy tư rất nhiều về Kitô giáo. Sử sách còn ghi lại đời ông rằng là có một lần kia Gandhi đến nhà thờ. Khi ông đến cửa thì người đứng chào ở cuối nhà thờ lịch sự chào ông, rồi nói với ông rằng, ông đến nhà thờ là điều chúng tôi rất mừng, nhưng xin ông đến nhà thờ dành cho người da đen. Gandhi âm thầm, cúi đầu đi và không bao giờ trở lại nhà thờ nữa. Hôm nay, biết đâu cũng có những người đang mất niềm tin vào Chúa cũng chỉ vì nhà thờ. Nhìn vào thực tế, nếu nhà thờ là nơi đông người tụ họp nhất thì cũng là nơi nhiều ma qủy nhất. Ở chợ búa thì ma qủy thường chỉ cám dỗ người ta gian dối với nhau và rồi ở nhà thờ là nơi ma qủy có thể cám dỗ đủ mọi thứ. Có khi họ đi đến nhà thờ để làm đẹp lòng người khác và có khi đến nhà thờ chỉ vì thói quen vì sợ bị chê là thiếu đạo đức. Nhà thờ là nhà cầu nguyện nhưng cũng có thể xây nhà thờ để nổi danh. Có thể xây nhà thờ vì tự ái, giáo xứ bên cạnh xây được thì mình cũng phải xây cho xong. Nhà thờ là nơi nghe Lời Chúa: "Các ngươi đừng xét đoán nhau" (Yc 4,11-12). Nhưng chính nhà thờ lại trở nên tiêu chuẩn xét đoán. Chính vì vậy, như lời Chúa cảnh báo thì có người nhìn kẻ này, trông kẻ kia có đi nhà thờ không để đánh giá lòng đạo đức của họ. Có người đến nhà thờ để chú ý đến mình, có thể là nhan sắc, tài năng, chức vụ trong xã hội. Ngày lễ là lúc nhà thờ nhộn nhịp đàn ca, quần áo. Nhưng có mấy ai nghe thấy nỗi vắng, nhìn thấy cái nghèo của Chúa trên thập giá. Nhiều người trong cuộc sống tuy là nghèo thật nhưng khi đến nhà thờ cũng “thủ” cho mình một bộ đồ tươm tất. Tôi đã từng thấy những bà già quê miền Tây chất phát cất chiếc áo dài của mình trong túi nilong để đến nhà thờ mới dám lấy ra mặc. Chúa Giêsu nói : “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện” nhưng rồi trong thực tế cuộc sống, có thể đắn đót khi nói nhưng rồi nhà thờ cũng là những vết thương đau đớn nơi thân thể Chúa Kitô. Nhà thờ chính là nơi mọi người chung một bữa tiệc, ăn cùng một bánh, chia sẻ cùng một chén thánh. Nhà thờ là nơi nối kết mọi phần tử trong một thân thể như mong ước của Chúa nhưng rồi nhà thờ không khéo lại là nơi chia rẽ và phân tán nhau chỉ vì ganh tỵ, hơn thua. Hẳn ta còn nhớ bên bờ giếng Giacob và còn văng vẳng tiếng người đàn bà Samari hỏi Chúa: "Lạy Ngài, tôi thấy Ngài là tiên tri... cha ông chúng tôi thờ phượng trên núi này, còn các ông thì lại bảo Giêrusalem mới là nơi thờ phượng" (Yn 4,19). Khi nghe bà hỏi như vậy, Ðức Kitô nói với bà ấy: "Này bà, hãy tin Ta, sẽ đến giờ không phải trên núi này hay tại Giêrusalem mà các ngươi thờ phượng Cha" (Yn 4,21). Nghe Chúa nói như vậy để rồi người đàn bà băn khoăn không biết phải thờ Chúa ở đâu. Chúa nói với bà: "Giờ sẽ đến, và là ngay bây giờ, những kẻ thờ phượng đích thực sẽ thờ Cha trong Thần Khí và Sự Thật, vì Cha chỉ muốn gặp những kẻ thờ phượng Ngài như thế" (Yn 4, 23). Người Do Thái có đền thờ trên đồi Jerusalem. Người Samari có đền thờ ở núi Gerizim. Họ không được phép vào nhà thờ của nhau. Hai bên đã thành thù địch cũng vì nhà thờ. Thật ra mà nói, Chúa không cần nhà thờ. Chỉ có con người cần nhà thờ. Con người cũng không cần nhà thờ nếu sống ích kỷ và riêng lẻ. Ðiều này gợi lên cho ta suy nghĩ nhà thờ là nhà thờ thật sự khi nhà thờ là trung tâm điểm để dân Chúa hiệp thông. Một khi ai nào đó đánh mất sự hiệp thông, nhà thờ không còn ý nghĩa và tội tệ hơn nữa lại còn phá hủy ý nghĩa tốt đẹp của nhà thờ nữa. Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời và nhất là ngay ngày hôm nay cũgg vậy, nhiều nhà thờ đã làm mất bình an trong gia đình. Nhà thờ gây đổ vỡ trong Giáo Hội và cũng vì nhà thờ đem đến phân ly. Chúa Kitô ngày hôm nay vẫn giang tay trên thập giá và mỗi phe trong xứ đạo cầm một tay để kéo Chúa về phe mình thì Chúa sẽ bị rách đôi. Ðau đớn, nhưng Chúa biết làm sao, Chúa phải thương cả hai, vì tất cả đều là con của mình. Không có nhà thờ nào đẹp bằng đền thờ của tổ phụ chúng con xây cho Chúa ở Giêrusalem. Quả thật ! Giêrusalem là đền thánh thành vàng. Công trình ròng rã xây cất trrong bốn mươi sáu năm (Yn 2,20). Chúa đi qua, các môn đệ tự hào chỉ cho Chúa thấy sự huy hoàng của đền thờ, sao Chúa lại nói: "Nhìn ngắm công trình ấy ư? Ở đó, sẽ không còn hòn đá nào trên đá nào, tất cả sẽ bị phá tan tành" (Mt 24,1-2). Khi nói như vậy, Chúa bị các đạo sĩ kết án vì Chúa bảo phá đền thờ ấy đi, Chúa sẽ dựng lại trong ba ngày. Sợ chúng con không hiểu, nên thánh Yoan đã phải viết rõ: "Còn Ngài, Ngài nói về đền thờ Thân Mình Ngài" (Yn 2,21). Qua lời nói này của Chúa thì con người phải hết sức cẩn thận vì chỉ lo xây nhà thờ cho Chúa mà quên đi rằng Chúa là nhà thờ của con. Khi xây nhà thờ thì ma quỷ cũng có thể vào trú ngụ và gây nên biết bao gương xấu. Nhưng nếu lấy Thân Thể Chúa làm nhà thờ thì không ma quỷ nào vào được và, trong nhà thờ ấy con người sẽ sống bình an. Có khi ta xây nhà thờ thật lớn cho Chúa nhưng điều Chúa cần vẫn là Đền Thờ tâm hồn của chúng ta. Đền Thờ tâm hồn của mỗi người chúng ta được chúng ta xây dựng bằng gì và như thế nào là tùy mỗi người chúng ta. Ta cần đền thờ vật chất để quy tụ nhau thờ phượng Chúa, còn Chúa, Chúa cần Đền Thờ tâm hồn của mỗi người chúng ta để Chúa vào và ngự ở đó. Mãi mãi, Đền Thờ vẫn là thách thức đặt ra cho con người : Xây đền thờ tâm hồn hay đền thờ vật chất ! Cái nào cần thiết hơn cái nào cho ơn cứu rỗi của con người, của nhân loại.
Nguồn: FB Tuệ Mẫn
20620855_1502470153147783_5411796395092346199_n.jpg
20604544_1502470156481116_7392767161382033100_n.jpg