Tỏa hương nồi súp “Mẹ Têrêsa Calcutta”

để chuẩn bị bữa trưa phục vụ cho các bệnh nhân. Bà Bạch Tuyết - Trưởng hội, niềm nở chia sẻ: “Bữa thì nấu nui, bữa lại làm bánh canh, có khi đổi qua cháo… Luân phiên như vậy để người bệnh ăn đỡ ngán, cảm thấy ngon miệng hơn. Đều đặn duy trì, thoắt cái đã được hơn 5 năm rồi”.

 

Nồi súp là hoạt động bác ái của hội Các Bà Mẹ Công Giáo (CBMCG) giáo xứ Thanh Đa - TGP.TPHCM. Đều đặn hai lần mỗi tháng vào ngày mùng 1 và 15, hơn 400 phần súp nóng hổi thơm lừng được gởi đến tận tay các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Ung Bướu TPHCM.
Tỏa hương nồi súp “Mẹ Têrêsa Calcutta”
Tỏa hương nồi súp “Mẹ Têrêsa Calcutta”
Noi gương Mẹ Têrêsa Calcutta
Chúng tôi đến giáo xứ Thanh Đa một buổi sáng trong mùa Chay, gặp các chị em hội CBMCG đang chăm chú làm việc, người hầm xương, người thái hành, gọt cà rốt… để chuẩn bị bữa trưa phục vụ cho các bệnh nhân. Bà Bạch Tuyết - Trưởng hội, niềm nở chia sẻ: “Bữa thì nấu nui, bữa lại làm bánh canh, có khi đổi qua cháo… Luân phiên như vậy để người bệnh ăn đỡ ngán, cảm thấy ngon miệng hơn. Đều đặn duy trì, thoắt cái đã được hơn 5 năm rồi”.
Chị em hội CBMCG chăm chú làm việc
Ý tưởng nấu súp cho bệnh nhân đến rất tình cờ, như lời bà Trần Thị Mai Trinh - thủ quỹ của hội: “Mình hay nấu ăn cho nhà thờ, tình cờ một người quen ở bệnh viện Ung Bướu nhờ nấu súp cho bệnh nhân, mình vui vẻ nhận lời. Thấy việc này hay và ý nghĩa nên về sau mình bàn với chị Tuyết cùng làm”. Thế rồi, mỗi tháng hai chị em cùng nấu 200 phần súp gởi đến các bệnh nhân. Khi nào bận không nấu được thì họ lại mua bánh giò, bánh chưng, bánh mì chả lụa trao cho người bệnh. Những ngày đầu bắt tay vào làm, họ chưa dám phổ biến rộng rãi vì chưa biết hiệu quả thế nào. Làm được mấy tháng thấy thích và cảm nhận được bệnh nhân rất cần tới sự giúp đỡ của mình nên hai người mới ngỏ ý với hội CBMCG chung tay giúp sức.
Khi được hỏi tại sao chọn tên “Nồi súp mẹ Têrêsa Calcutta”, bà Bạch Tuyết cho biết:“Giáo xứ Thanh Đa từng là nơi vinh dự được Mẹ Têrêsa đến thăm hai lần, chúng tôi muốn noi gương của Mẹ thực thi bác ái vì người nghèo, nâng đỡ người ốm đau bệnh tật bằng việc làm thiết thực là chăm lo cho họ có được bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng”. Từ con số 200 phần ban đầu, dần dần tăng lên 300 đến 400 phần; nhân lực phục vụ cũng đã hơn chục người, tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương và sự sẻ chia với những phận người kém may mắn.
Để có được nguyên liệu tươi ngon, đảm bảo vệ sinh và an toàn, các chị đã đặt mua trước tại cửa hàng quen, uy tín. Khi nấu chỉ cần ra lấy đem về khu bếp của nhà thờ chế biến. Mỗi người mỗi việc, ai cũng vui vẻ, vừa làm vừa trò chuyện. “Bệnh nhân đã trải qua thời gian điều trị dài tốn kém, một bữa ăn nóng kịp thời, đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp họ cải thiện bữa ăn, đỡ phần nào lo lắng. Đây cũng là dịp họp mặt, chị em gặp gỡ, thực thi bác ái, ai cũng cảm thấy trong lòng thanh thản bình an”, chị Hứa Thị Huệ - Phó nội vụ của hội tâm tình.
Chuẩn bị những túi súp nóng hổi
Mở rộng vòng tay
Các chị em trong hội luôn cởi mở đón người ở nơi khác đến cùng sinh hoạt và cộng tác chung. Những ngày điều trị bệnh ung thư ở thành phố trong tâm trạng buồn phiền lo lắng, bà Trần Thị Minh, 59 tuổi (An Giang) đến với hội một cách tình cờ. Khi thấy mọi người tụ họp nấu nướng, trò chuyện rôm rả, bà lân la đến hỏi thăm, rồi xin cộng tác vì nhận ra ý nghĩa của công việc này.“Bản thân từng là bệnh nhân điều trị tại bệnh viện ung bướu, từng ăn những suất ăn từ thiện, tôi cảm nhận được tình thương và sự quan tâm của mọi người dành cho mình, vì thế tôi rất trân trọng và muốn san sẻ công việc với các chị em trong hội”, bà Minh giải thích.
Chi phí mỗi lần nấu súp như vậy hết khoảng 8 triệu đồng. Ngoài phần súp dành để ăn trưa, người bệnh còn được tặng thêm một bịch sữa tươi, ổ bánh mì ngọt. Khi chưa có ai ủng hộ thì các chị tự bỏ tiền túi. Mặc dù không có một nguồn quỹ ổn định, vậy mà hoạt động đã duy trì đều đặn nhiều năm qua. Tiếng lành bay xa, thấy được tấm lòng và hiệu quả công việc này, nhiều cá nhân đã tìm đến hỗ trợ, người cho thịt, người cho bao bì để đựng súp… Các ân nhân xa gần cũng thường xuyên gởi tiền để các chị em có nguồn quỹ dồi dào phát triển hoạt động.
Thân nhân của người bệnh nhận suất ăn trưa
Một lần theo chân họ đến địa điểm gần bệnh viện Ung Bướu phát súp, chúng tôi thấy người bệnh được phát phiếu đã đứng xếp hàng chờ sẵn, ai ai cũng mong ngóng tới lượt mình. Anh Lê Thanh Hà, 42 tuổi, quê Vĩnh Long, chăm sóc cho mẹ nhiều tháng liền, tâm sự: “Súp của các chị nấu rất ngon, nóng, thơm, ăn rất vừa miệng. Lần nào nhận súp, tôi cũng cảm thấy rất vui, không biết nói gì hơn ngoài sự biết ơn. Tôi cũng hy vọng là các chị sẽ luôn yêu thương, tiếp tục duy trì hoạt động này để những người bệnh có được bữa no khi đói lòng”. Năm nay gần 70 tuổi, lặn lội từ tận Đồng Tháp lên bệnh viện nuôi chồng bị ung thư vòm họng, bà Nguyễn Thị Huệ rưng rưng: “Gia cảnh khó khăn, hai vợ chồng lại lớn tuổi, có được những phần quà này rất đỡ cho tụi tui, giúp bớt đi một khoản chi phí và tin thêm vào những tấm lòng tốt đẹp vẫn có trong đời”. Còn anh Nguyễn Văn Trung, 53 tuổi đang chăm sóc vợ nằm viện điều trị lại nói: “Vô đây thấy việc làm của các chị, tôi thật xúc động. Những người bệnh không chỉ nhận được một phần ăn mà còn là tấm lòng, tình yêu thương. Chính điều đó giúp chúng tôi lạc quan hơn, phấn chấn hơn trong thời gian dài cùng với người thân chiến đấu trong bệnh viện”.
Có lẽ chính sự háo hức chờ đợi và niềm vui của người bệnh khi nhận súp là động lực để các chị em hội BMCG âm thầm duy trì ngọn lửa yêu thương mấy năm qua. Ngoài những phần súp nóng phục vụ như thế, có ca bệnh nặng mà gia đình hết tiền điều trị cho người thân, các chị em trong hội cũng rộng lòng hỗ trợ thêm ít nhiều kinh phí để họ tiếp tục chữa bệnh. Mỗi năm, hội lại tổ chức một chuyến từ thiện vùng sâu vùng xa tới Kontum hay những giáo điểm ở Phan Rang, nơi tập trung nhiều người dân tộc nghèo để giúp họ gạo, nhu yếu phẩm dùng trong gia đình.
Tinh thần chia sẻ của hội như một ngọn lửa sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh. Không chỉ cùng nhau san sẻ việc thiện, các thành viên trong nhóm còn dành cho nhau những lời động viên, cầu nguyện giúp nhau vượt qua những muộn phiền của cuộc sống. Việc làm tốt đẹp này của các bà, các chị luôn nhận được sự giúp đỡ của HĐMVGX Thanh Đa. Linh mục chánh xứ Đaminh Nguyễn Đình Tân cũng luôn ủng hộ và khích lệ: “Các chị giống như cánh tay nối dài của Mẹ Têrêsa, quan tâm nâng đỡ những người khó khăn, ốm đau bệnh tật. Việc tuy nhỏ bé nhưng lại được làm với một con tim chân thành và tình yêu to lớn, đó là dấu chỉ chắc chắn nhất giúp người ta nhận ra lòng thương xót của Chúa Kitô”.
NGỌC LAN
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc