Người Cha đi tìm kiếm thăm viếng những đứa con cù bất cù bơ nghèo khổ. Ngài đã ngồi xuống để họ được đụng chạm vào một Đức Ki-tô giữa đời thường
Tôi lặng lẽ bước theo các Ngài vì tôi biết họ sẽ đến với người nghèo. Trời trưa nắng gay, nắng gắt len lỏi qua cái lùm cây đi vào sâu trong khu vườn rậm. Những bước chân dài vững chãi vừa đi vừa liến thoắng những câu chuyện mà không phải ai nghe cũng hiểu vì phải cần người phiên dịch.
Kế hoạch sẽ thăm ba căn nhà gần nhà thờ mà được cho là nghèo khó đau khổ nhất.
Ghé căn nhà đầu tiên vì không được báo trước nên chủ nhà cứ lúng ta lúng túng vì cái nghèo, vì sợ bất kính. Ngay cả ghế để mời khách ngồi cũng không có. Gia đình có 5 đứa con, hai đứa con gái phải bỏ học ở độ tuổi 15, 17 để đi Sài Gòn tìm việc làm. Thử hỏi cái độ tuổi ấy thì làm được việc gì ngoài việc ở đợ. Vì nghèo quá họ đành nhắm mắt xuôi tay để con bôn ba nơi xứ lạ đất khách quê người mưu sinh. Đứa thứ thì bị nhiễm chất độc màu da cam lơ ngơ lẩn ngẩn. Hai đứa con trai nhỏ một 10 tuổi, một 13 tuổi mắt sáng quắc được cho là thông minh, học hành tốt. Hai vợ chồng làm thuê làm mướn. Cuộc sống lắm đắng nhiều cay.
Đức Tổng loay hoay, các cha lựng sựng một lúc cũng mượn được vài cái ghế để ngồi. Ngài ân cần hỏi thăm từng thành viên trong gia đình, tên, tuổi, tên thánh. Sâu trong đáy mắt Ngài có sự đồng cảm xót thương khi nghe chuyện của con bé bị nhiễm chất độc màu da cam. Hai cậu bé nhỏ thì Ngài mời đến hỏi chuyện thân tình. Ngài khuyên đi học tiếng anh. Chạm vào đứa bé Ngài nói sau này học tốt làm linh mục; xoa đầu đứa lớn Ngài nói còn con làm Giám Mục.
Hai đứa nhỏ có đôi mắt sáng long lanh. Ngài đã để lại cho họ hình ảnh và tấm lòng Mục tử. Người chủ lặn lội đi tìm chiên. Người Cha đi tìm kiếm thăm viếng những đứa con cù bất cù bơ nghèo khổ. Ngài đã ngồi xuống để họ được đụng chạm vào một Đức Ki-tô giữa đời thường. Họ được bám víu vào lòng thương xót của của đấng chuyển thông từ Ngài. Tâm điểm của cuộc viếng thăm là tất cả hiệp ý trong lời kinh để dâng lên Chúa gia đình đau khổ này là hiện thân của gia đình thánh tâm ngày xưa. Nhờ sự cầu bầu của Đức trinh nữ Maria và sự bảo trợ của thánh Giuse họ sẽ tiếp tục dìu dắt nhau trên đường lữ thứ.
Lội qua thêm một quãng đồng để thăm gia đình thứ hai. Không cái nghèo nào giống cái nghèo nào. Không cái khổ nào được đặt rõ tên họ để xưng. Họ chìm nghỉm trong bế tắc. Hai vợ chồng độ tuổi ngoài 50. Nhà mười đứa con. Sáu người lớn đã có gia đình ra riêng cũng không khá giả để giúp đỡ. Còn bốn đứa nhỏ thì một đứa 15 tuổi tôi đoán chắc do sốt bại liệt. Không đi được chỉ bò, không biết nói. Lúc Đức Tổng và các Cha bước vào nhà thì mọi thứ chăn màn bừa bộn trên chiếc giường , căn nhà nhỏ xíu đủ cái bàn thờ Chúa và cái gường nằm chắn ngang lối. Không có ghế ngồi Đức Tổng tươi cười vén ngay chiếc áo dòng ngồi xuống nền gạch rồi vời đứa bé bị tật đến. Thoạt đầu nó phản kháng không muốn bò ra. Nhưng với ánh nhìn yêu thương và nụ cười thân thiện thằng bé bò ra ngoài cửa sát bên Ngài vỗ tay mừng. Đức Tổng hỏi chuyện và người mẹ kể. Nó kêu mẹ không biết bị sao từ nhỏ đến giờ năm nay 15 tuổi rồi. Nó ra dấu kêu đi kéo hai cái chân nó ra giống mẹ nó để nó được đứng lên đi. Mẹ em bảo không có tiền nó chỉ vào túi. Người mẹ ngậm ngùi. Ai cũng cảm thương.
Càng cảm thương hơn khi nhìn thấy người cha với cái chân sưng to vù. Ngài chỉ vào hỏi có đi bệnh viện chăm sóc không? Câu chuyện của họ là anh té từ nốc nhà xuống và bị thương phải nằm viện nhưng vì không tiền nên về. Đức Tổng ngồi lại bên thềm nhà nghèo khó này rất lâu. Tôi tin rằng Ngài đang tận hưởng cuộc gặp gỡ một Đức Ki-tô không lành lặn với đầy thương tích. Ngài đang rất sung sướng vì được đụng chạm vào gia đình Nazaret khó nghèo. Ngài đang lắng đọng tâm hồn để chiêm ngưỡng và đang chìm ngập trong biển lòng thương xót của Chúa Cha. Tôi đọc được từ trái tim Mẹ Giáo Hội niềm cảm thông sâu sắc với đứa con ngụp lặn trong biển đời đau khổ. Tôi thấy họ run lên vì sung sướng khi đã được đụng chạm vào nhau, nỗi đau đang được vơi đi niềm hạnh phúc dạt dào đang được lan tỏa. Thánh giá nào rồi cũng dẫn đến vinh quang. Phía trước là vầng hào quang của nến phục sinh đang tỏa rạng. Rồi đây tình thương sẽ được phủ đầy trên nóc nhà này, bao trùm những con người khốn khổ hôm nay. Giọt sữa mẹ Giáo Hội đang chắt chiu cho họ nguồn sống. Tôi tin vậy!
Căn nhà thứ ba chúng tôi đến. Thực ra nó chỉ là một túp lều. Một người Mẹ già đơn độc, thân hình còm cõi bệnh tật. Đang ngồi lặng buồn trên chiếc võng. Nhìn theo nấm mộ sát bên nhà. Khi bước đến Đức Tổng đã khòm xuống để hỏi chuyện rất gần và rất gần. Tôi đã nuốt cảm được tấm tình Người cha qua cuộc thắm viếng này. Căn lều nhỏ bé rách nát là một chứng tích cho tình người te tua tan nát trong cách sống và cách hành xử của gia đình và những con người trong gia đình thời nay. Đang sống trong năm thánh gia đình làm cho tôi liên tưởng đến một điều thân phận của người phụ nữ sao mà buồn thảm thế. Bà lão có chồng và sinh mười đứa con, sinh họ ra và nuôi lớn, họ lập gia đình, ông qua đời. Tuổi già lủi thủi trong túp lều lộng gió. Lâu lâu đứa A ở xa về ghé cho cho trăm ngàn. Cô đơn quá, quạnh quẽ quá, tuổi già lay lắt, buồn hắt buồn hiu. Một bộ mặt khác của Đức Ki-tô. Bộ mặt này hằn lên những nếp nhăn lởn vởn phía trước chút màu khói buồn tênh.
Đức Tổng cúi xuống để nâng bà lên, để trò chuyện. Ngài hỏi tên thánh như để khắc sâu vào lòng. Ngài nói thánh Maria đẹp lắm vì hôm nay là Lễ Truyền Tin. Cầu nguyện cùng Đức Maria cho bà có được bình an trong tâm hồn. Ngài hỏi và nhắc nhở bà thường xuyên lần chuỗi, chạy đến với Đức Mẹ để Mẹ sẽ bầu cử cùng Chúa và cùng đích là được hưởng hạnh phúc bất tận đời sau. Mọi người hòa mình vào lời kinh để cùng cầu xin ơn an lành. Ra đi Đức Tổng đã để lại chút lòng thương xót của Thiên Chúa giàu lòng xót thương . Tôi thấy giọt nước mắt lăn dài trên má người đàn bà đau khổ này. Giọt nước mắt sung sướng vì được mẹ Giáo Hội ôm vào lòng xoa dịu. Bà đang tận hưởng khi Đức Tổng nói “Hẹn gặp lại”. Tôi tin chắc rằng mọi người sẽ gặp lại nhau trong lòng Cha từ ái.
Chúng tôi một đoàn gồm có cả người lớn và trẻ con đã tận mắt nhìn thấy “Nét đẹp của Người ngồi xuống”: Ngồi xuống để đụng chạm vào nỗi thống khổ của người khác; Ngồi xuống để được gần gũi hơn; Ngồi xuống để cảm nhận một lần thân phận của người khác để cảm thông và chia sớt; Ngồi xuống để cái tôi bé nhỏ lại và hình ảnh Đức Ki-tô được vươn lên cao và đi xa vào giữa lòng thế giới.
Xin cho mọi người luôn biết ngồi xuống và ngồi xuống để nét đẹp rạng tỏa cho đời, để tình yêu thương được lên ngôi giữa cái thế giới còn quá khác biệt hôm nay.
Tiểu Hổ
Nguồn: gpcantho.com