Đức tân Tổng Giám mục của Manila nhận mũ đỏ và nhẫn; Đức Thánh Cha chào đón tù nhân đến Vatican; Chương trình “Này tôi đây” tại Ấn Độ hỗ trợ tổ chức tang lễ cho nạn nhân Covid-19; Các linh mục hỗ trợ người tị nạn Myanmar trở về nhà; và HĐGM Nam Phi kêu gọi đừng bỏ rơi người tị nạn trong chiến dịch tiêm chủng là những thông tin chính đáng chú ý.
Đức tân Tổng Giám mục của Manila nhận mũ đỏ và nhẫn
Đức Hồng Y Advincula dự kiến sẽ đến thăm các khu ổ chuột sau khi ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục thứ 33 của Tổng Giáo phận Manila.
Ngày 18/6, tại Tổng giáo phận Capiz, vùng Visayas, Đức Hồng Y Jose Advincula, tân Tổng Giám mục của Tổng giáo phận Manila đã nhận mũ và nhẫn từ Sứ thần Tòa Thánh tại Philippines sau hai lần bị trì hoãn.
Sự kiện này đã làm nên lịch sử khi ngài trở thành Đức Tổng Giám mục Manila đầu tiên nhận mũ ở Philipines vì rất hiếm có tân Hồng Y được phong chức bên ngoài thành Roma. Chỉ có 2 Đức Giám mục, 12 linh mục và một vài người được tham dự Thánh lễ.
Đức Hồng Y Advincula đã chia sẻ trong bài giảng: “Tôi mong đợi sẽ phục vụ tại Tổng Giáo phận Capiz cho đến khi Chúa gọi tôi về với Ngài. Nhưng đây chỉ là nguyện vọng cá nhân của tôi. Đức Thánh Cha đã kêu gọi tôi đến Manila và tôi vâng lời”.
Tổng Giáo phận Manila đã thông báo việc Đức Hồng Y Advincula nhận sứ vụ làm Tổng Giám mục thứ 33 sẽ diễn ra vào ngày 24/6 tại Tiểu Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Intramuros, Manila. (Theo UCAnews)
Đức Thánh Cha chào đón tù nhân đến Vatican
Đến Vatican từ sáng sớm ngày 21/6, các tù nhân của nhà tù Rebibbia ở Roma đã mang theo một giỏ bánh tự làm để tặng cho Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô trước khi bắt đầu chuyến thăm bảo tàng Vatican.
Trong đoạn video ghi lại cuộc gặp của Vatican, ĐTC Phanxicô đã trò chuyện với giám đốc nhà tù, bà Anna Maria Trapazzo. ĐTC nhắn nhủ rằng: “Điều quan trọng là tìm ra điều tích cực vào thời điểm cuộc sống đang khó khăn. Tìm kiếm điều tích cực để tiến về phía trước”, như cách mà các tù nhân đang bắt đầu làm bánh khi toàn xã hội phong tỏa do Covid-19
Sau đó, Giám đốc Viện bảo tàng Vatican Barbara Jatta dẫn nhóm tù nhân đi tham quan. Cha Tuyên úy Moreno M. Versolato thuộc dòng Tôi tớ Đức Mẹ cho biết nhờ có hai thẩm phán ký giấy cho phép nên các tù nhân được đến tham quan và tham gia các sự kiện tái hòa nhập xã hội khác.
Cha Tuyên úy cho biết 12 tù nhân và tất cả những người bị giam giữ khác mà cha đã gặp đều có lòng kính trọng và yêu mến sâu sắc đối với ĐTC vì ngài đã nhiều lần đến thăm nhà tù và vì ngài đã liên tục kêu gọi đối xử đành hoàng với các tù nhân. (Theo CNS)
Chương trình “Này tôi đây” tại Ấn Độ hỗ trợ tổ chức tang lễ trang nghiêm cho nạn nhân Covid-19
Đó là một việc làm của lòng thương xót và tình bác ái mà Tổng giáo phận Bangalore, thuộc bang Karnataka, miền nam Ấn Độ đã phát động, nhằm hỗ trợ tang quyến tiễn đưa những người thân của họ.
Theo chia sẻ của cha Santhosh Royan, Tổng Giáo phận Bangalore đã lên kế hoạch và thực hiện chương trình “Này tôi đây” để đảm bảo quyền cơ bản của con người là được chôn cất tử tế. Tổng giáo phận Bangalore chịu trách nhiệm chi trả tất cả chi phí với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ.
Nhóm thực hiện chương trình đã giúp đỡ ít nhất 15 đến 30 lễ chôn cất hoặc hỏa táng mỗi ngày và đã đồng hành cùng 1900 lễ an táng.
Tại mỗi đám tang, các tình nguyện viên tiếp tục công việc an ủi các gia đình và đảm bảo giúp họ tiễn biệt người thân một cách trang trọng, trong tình đoàn kết và tình người.
Cha phó phụ trách chương trình Rajesh R. nói: “Tất cả các gia đình bị ảnh hưởng đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với nhóm vì sự phục vụ của họ trong thời gian khó khăn này”. (Theo Agenzia Fides)
Đình chiến tại bang Chin, các linh mục hỗ trợ người tị nạn Myanmar trở về nhà
Sau nhiều tuần đụng độ vũ trang căng thẳng, bang Chin đã tiến hành đình chiến để cho phép người tị nạn trở về nhà và những người bị thương được đưa đến các bệnh viện.
Các linh mục thuộc các giáo xứ, tu sĩ và giáo dân địa phương cam kết hỗ trợ người tị nạn. Các linh mục đã đưa ra lời kêu gọi chân thành chấm dứt bạo lực, lưu ý rằng “nhiều người vô tội đang đau khổ và tuyệt vọng” đồng thời yêu cầu sự giúp đỡ quốc tế.
Tuy nhiên, theo cha Timothy Shing thuộc Giáo phận Hakha, quân đội Miến Điện không cho phép các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác viện trợ nhân đạo. Nên chỉ có 20% người dân trở về nhà vì họ lo lắng cho sự an toàn của mình.
Vị linh mục chia sẻ lời kêu gọi của các Đức Giám mục về “việc mở các hành lang nhân đạo đặc biệt” và tỏ lòng biết ơn với Đức Thánh Cha Phanxicô đã quan tâm đến Myanmar.
Vào cuối buổi Kinh Truyền Tin ngày 20/6, Đức Thánh Cha Phanxicô cùng kêu gọi với các Đức Giám mục Myanmar giúp đỡ người dân đang chịu đựng xung đột, đói khát và phải di cư. Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện: “Cầu xin Thánh Tâm Chúa Kitô chạm đến trái tim của tất cả mọi người, mang lại hòa bình cho Myanmar!”.
Đức Tổng Giám mục Marco Tin Win, người đứng đầu Tổng giáo phận Mandalay nói: “Chúng con rất biết ơn Đức Thánh Cha Phanxicô. Khi ngài phát biểu, người dân Myanmar cảm thấy rất xúc động và được khích lệ tinh thần”. (Theo Agenzia Fides)
Người tị nạn bị bỏ rơi bên lề cuộc chiến chống Covid-19
HĐGM Nam Phi (SACBC) trong một thông điệp đưa ra nhân ngày Tị nạn Thế giới đã chỉ ra rằng việc loại trừ những người tị nạn ra khỏi chương trình tiêm chủng và phòng ngừa Covid-19 cho thấy chúng ta vẫn thiếu sự khôn ngoan trong câu nói “không ai an toàn cho đến khi tất cả được an toàn”.
SACBC cho biết người tị nạn ở các quốc gia Châu Phi đang bị loại trừ khỏi việc cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân và tiêm chủng chống vi-rút Sars-CoV-2. Các Đức Giám mục kêu gọi chính phủ thúc đẩy và hỗ trợ người tị nạn tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sứa khỏe.
Các ngài đồng thời lên án “chủ nghĩa dân tộc vắc-xin” được áp dụng bởi các quốc gia giàu có tập trung vắc-xin cho dân của mình. Các Đức Giám mục nhấn mạnh: “Chỉ bằng cách đảm bảo tất cả mọi người được tiêm vắc-xin chống vi-rút thì mới chiến thắng cuộc chiến này”.
Các Giám mục nhắc lại lời dạy của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong cuốn Sollicitudo Rei Socialis: “đức tính đoàn kết như một cam kết vững chắc và lâu bền vì lợi ích chung, điều mà thường có thể đòi hỏi sự hy sinh cá nhân của một số thành viên trong cộng đồng để bảo vệ các quyền cơ bản của các thành viên dễ bị tổn thương hơn”. (Theo Agenzia Fides)
Khánh Ly