Qua tiến sĩ Sergio Centofanti, Phó Giám đốc biên tập Bộ Truyền thông, Tòa Thánh phản ứng trước những lời chỉ trích của Đức Tổng Giám mục Carlo Viganò, nguyên Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ về Công đồng Vatican II.
Phó Giám đốc biên tập cho biết, hiện có một số chỉ trích liên quan đến giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, cho rằng nơi ngài có một sự cấp tiến ngày càng rõ đối với Công đồng Vatican II. Các chỉ trích này, trước hết nhắm đến Đức Thánh Cha Phanxicô và sau đó công khai chỉ trích cả Thánh Gioan Phaolô II và Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI.
Giáo hội Công giáo đã trải qua hơn 20 công đồng
Tiến sĩ Sergio Centofanti đã trả lời rõ từng điểm trong bài viết có tựa đề “Căn nguyên của vấn đề” của nguyên Sứ Thần Tòa Thánh, công bố hôm 09/6 vừa qua. Trong bài viết này, Tổng Giám mục Viganò tấn công mạnh mẽ vào Công đồng Vatican II. Theo Đức Tổng, Công đồng này là nguồn gốc của nhiều “lầm lạc” trong Giáo hội Công giáo.
Đáp lại lời khẳng định này, ông Sergio Centofanti nói: “Trong lịch sử, Giáo hội Công giáo đã trải qua hơn 20 công đồng. Mỗi công đồng đều có một số người không chấp nhận những bước tiến mới và tự đóng mình lại”. Nhà báo lập luận: trước khi tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội được Đức Giáo hoàng Piô IX công bố vào năm 1854, thánh Bernard Clairvaux của thế kỷ 12 đã phản đối giáo lý này. Liệu chúng ta có uyên bác và thực hành đạo tốt hơn các đấng thánh xưa? Khi Giáo hội thiết lập những lễ mới, có thể làm cho nhiều tín hữu của những thế kỷ trước không đồng tình.
Con đường đại kết
Liên quan đến hành trình đại kết của Giáo hội, Tổng Giám mục Viganò cho rằng đại kết được định hình theo cách đối lập trực tiếp với giáo lý của Huấn quyền Giáo hội được trình bày trước đây. Về vấn đề này, Tiến sĩ Sergio nhắc lại rằng Thông điệp “Ut unum sint – Xin cho họ nên một”, năm nay kỷ niệm 25 công bố, đã bị những người có cách giải thích đơn giản về truyền thống bỏ qua, đóng khung trong sự “đối thoại tình yêu”, mà quên đi ước muốn cháy bỏng về sự hiệp nhất của Chúa chúng ta, được ĐGH Gioan Phaolô II cổ võ.
Phó Giám đốc biên tập kết luận: “Sự khôn ngoan tìm kiếm công chính phải có tinh thần và thái độ vượt trên thái độ của các luật sĩ và Pharisêu, phải ‘lấy từ kho tàng của mình cả điều mới lẫn điều cũ’ (Mt 13,52). Chúng ta phải đọc lại những lời của Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI khi ngài kêu gọi các nhà truyền thống Lefèbre đừng “đóng băng thẩm quyền giáo huấn của Giáo hội vào năm 1962”. (Cath.ch 23/6/2020)
Nguồn: Vatican News