Câu hỏi được đặt ra: Hơn ba năm, sau khi được ban hành, đâu là những hiệu quả mang tính Giáo hội đến từ Tông huấn hậu Thượng HĐGM Amoris laetitia - Niềm vui Yêu thương? Tông huấn đã mang lại những âm hưởng nào cho những suy tư mục vụ và thần học?
Thực tế, cần phải đi vào tổng thể của tài liệu; vì khi một Giáo hội địa phương chỉ kỳ vọng vào những kết quả, nguy cơ là chỉ tìm kiếm những gì được mong đợi, bỏ qua tính phổ quát của các cuộc thảo luận, sự phong phú của các chủ đề, đa dạng của các quan điểm. Như trường hợp tại Italia, không có một giáo phận nào không trình bày và thảo luận tài liệu của ĐTC, ít nhất là trong năm 2016. Chính qua các giờ thảo luận, mọi người có thể nhận ra rằng con đường được Tông huấn chỉ dẫn không chỉ đơn giản những điều mà chúng ta ngây thơ mong đợi, mà còn là những đòi hỏi cần phải nỗ lực thực hiện.
Kinh nghiệm đức tin, cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu trong một cộng đoàn những người tin là vấn đề nền tảng. Do đó, khi nói về đời sống hôn nhân và gia đình Công giáo, rõ ràng đây là một vấn đề của đức tin. Vì thế, mối tương quan giữa hôn nhân và đức tin cần phải được đào sâu, để những gì chúng ta tin với cách chúng ta sống không bị tách rời.
Câu trả lời cho mục vụ hôn nhân
Sau Tông huấn Niềm vui Yêu thương, một thắc mắc được đặt ra: Tại các giáo xứ, phải chuẩn bị như thế nào cho những người đang tiến tới lãnh nhận Bí tích Hôn phối? Trong các cộng đoàn giáo xứ, các linh mục đã tìm thấy một chỉ dẫn về hướng đi trong câu trả lời của ĐTC Phanxicô: đó là một câu hỏi về việc kích hoạt con đường giống như một hình thức khóa giáo lý. Chính giáo xứ tham gia trực tiếp vào hành trình cùng với những người trẻ, những người xuất hiện trước cửa nhà xứ, nhưng đằng sau họ, việc đào tạo Kitô giáo ngày càng bị giảm sút. Thật vậy, từ thực tế, nhiều người trong số họ đã sống chung, thường đã có con và đã quyết định gắn kết thường xuyên mối quan hệ của họ bằng một lễ cưới trong nhà thờ, nhưng họ không biết chính xác những gì Bí tích Hôn nhân đòi hỏi, có nghĩa là, những cam kết mà họ đã thực hiện.
Kim chỉ nam huấn luyện cho những ai đang ở giai đoạn đính hôn
Tông huấn hậu THĐGM Amoris laetitia – Niềm vui Yêu thương chứa đựng trong chính nó xương sống của một con đường Thượng Hội Đồng canh tân, là kim chỉ nam trong việc huấn luyện cho những ai đang ở giai đoạn đính hôn. Trong tài liệu, chúng ta có thể xác định ít nhất bốn chủ đề. Đầu tiên, về bản chất nền tảng hôn nhân: mốc thời gian trong Kinh thánh và cái nhìn của Chúa Giêsu về gia đình. Thứ hai, về bản chất thiêng liêng: tình yêu trong cuộc sống hàng ngày và sự phát triển của tình yêu, đời sống thiêng liêng của vợ chồng và gia đình. Thứ ba, liên quan đến nuôi dạy con cái: khả năng sinh sản và giáo dục con cái. Phần thứ tư, dành riêng cho bối cảnh Giáo hội rộng lớn hơn: thực tế và thách đố ngày nay, sự hòa nhập của sự mỏng dòn.
Giáo lý và mục vụ kết hợp
Khi đọc kỹ văn kiện, chúng ta sẽ thấy nổi bật một con đường, trong đó các khía cạnh giáo lý và mục vụ kết hợp với nhau, xuất phát từ cuộc sống cụ thể của các cặp vợ chồng ngày nay, một cuộc sống không thực thi đúng ơn gọi và sứ mệnh gia đình trong cái nhìn Kitô giáo, việc cung cấp mục vụ thực thi chậm, đặc biệt là của những người sống xa Giáo hội. Các cặp đính hôn gắn kết với nhau khởi đi từ tình yêu, từ giấc mơ được sống cùng nhau và xây dựng một thực tế mới, công khai và ổn định. Do đó, Giáo hội nhận ra trong khát vọng này, ân ban của Thiên Chúa, ánh sáng của Chúa Kitô, tiếng gọi của Thánh Thần và chăm sóc để đón nhận những người trẻ này, đồng hành và giúp họ nhận ra những gì Chúa đã bắt đầu hoàn thành trong họ. Đây không chỉ là quyền cử hành bí tích của những người đã được rửa tội, mà trên hết là trách nhiệm mục vụ của những người làm cho Chúa Giêsu phải thốt lên trước người Samari: "nếu bạn biết ân huệ của Thiên Chúa".
Học viện Thần học Giáo hoàng Gioan Phaolô II về khoa học hôn nhân và gia đình
Vẫn ở cấp độ đào tạo, mặc dù ở một cấp độ khác – hàn lâm – thiết lập lại Học viện Thần học Giáo hoàng Gioan Phaolô II về khoa học hôn nhân và gia đình, đã đạt được tầm mức đáng kể. Việc mở rộng đào tạo đã nhìn thấy một bước tiến có giá trị: từ việc thiết lập thần học luân lý, nâng đỡ tầm nhìn hôn nhân và gia đình, chuyển sang thần học cơ bản; và thậm chí, chính xác hơn là nền tảng nhân chủng học của thể thức đức tin Kitô giáo. Điều này áp dụng để bảo vệ một cách trung thành các di sản truyền thống của các tín hữu, và đồng thời để khơi dậy sức mạnh mầu nhiệm và thừa tác vụ của gia đình trong thời đại hiện nay, trong ánh sáng canh tân của Tông huấn Niềm vui Yêu thương - Amoris laetitia.
Chính ĐHY Parolin nói trong lễ khai giảng năm học vừa qua: “Việc thành lập Viện Thần học về Khoa học Hôn nhân và Gia đình, do Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định, khởi động lại tính thời sự linh hứng của lãnh vực này trong đời sống Kitô hữu; mời gọi xây dựng và thích nghi với hoàn cảnh mới đối với căn tính hôn nhân và gia đình, nhắm đáp ứng với nhu cầu mới của văn hóa thần học và sứ mệnh giáo hội. Do đó, không được đánh giá thấp việc tái thiết lập này. Thông qua trung gian có thẩm quyền của thừa tác vụ Phêrô, Giáo hội nhấn mạnh, với nỗ lực lớn hơn, cần phải thành lập một trung tâm hàn lâm, đào tạo các chuyên gia về hôn nhân và gia đình như một nút của mạng lưới chòm sao của các tổ chức văn hóa, đại diện cho dịch vụ chăm sóc mục vụ của Tòa thánh cho Giáo hội hoàn vũ theo nghĩa cao nhất và rộng nhất”.
Như thế, đời sống mục vụ của các giáo xứ và việc đào tạo mang tính hàn lâm là những lĩnh vực mang lại hiệu quả tốt nhất của Tông huấn Niềm vui Yêu thương - Amoris laetitia.
Khía cạnh pháp lý: Tố tụng không phải là một điều liên quan đến toán học
Cuối cùng, về các khía cạnh pháp lý đối với việc bảo vệ hôn nhân và chăm sóc mục vụ cho các cặp vợ chồng bị thương tổn. Gần đây, ĐTC Phanxicô đã trở lại vấn đề này; trong bài nói chuyện với các tham dự viên của khóa đào tạo do Toà Thượng Thẩm Rôma tổ chức, ĐTC nói: "Trong các vụ án hôn nhân, khi phải đối diện với một cuộc hôn nhân bị tổn thương, những người điều hành, các thẩm phán, các bên liên quan, các nhân chứng, trước hết phải luôn tin tưởng vào Chúa Thánh Thần, để được Ngài hướng dẫn. Nhờ đó những người có trách nhiệm có thể lắng nghe với tiêu chí đúng, biết cách thẩm tra, phân định và đưa ra quyết định đúng. Và điều này rất quan trọng! Tố tụng không phải là một điều liên quan đến toán học, chỉ đơn giản để xem lý do nào nặng hơn lý do nào. Không. Phải luôn có Chúa Thánh Thần hướng dẫn tố tụng. Nếu không có Chúa Thánh Thần, những gì chúng ta làm không phải là Giáo hội".
Do đó, nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, các vụ án của Giáo hội không chỉ giải quyết theo cái nhìn Giáo luật, nhưng trước hết đó là mối quan tâm của cộng đoàn Kitô giáo, mà các cặp vợ chồng này không ngừng thuộc về. Theo cái nhìn này, mong muốn rằng hiệu quả của Tông huấn Amoris laetitia - Niềm vui Yêu thương tìm được giá trị đích thực cho việc chăm sóc mục vụ cho các việc chuẩn bị hôn nhân Công giáo, cho các gia đình và trong việc giúp các gia đình bị tổn thương tìm được niềm an ủi, niềm vui trong gia đình Giáo hội, cụ thể là giáo xứ.
Ngọc Yến - Vatican