Những bức xúc của ĐGH Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm 2013

“Thói sống trần tục về mặt tôn giáo cốt tại việc núp sau cái vỏ bọc tôn giáo để kiếm tìm không phải vinh quang cho Thiên Chúa, mà là tìm kiếm vinh quang loài người và tìm kiếm cuộc sống dễ chịu cho bản thân mình”

WGPSG/NSTM -- Lên ngôi giáo hoàng trong bối cảnh: Đức Bênêđictô XVI từ chức vì lý do sức khỏe, giáo triều Rôma trải qua hai vụ Vatileak I và II, thế giới đang xảy ra nhiều vụ khủng bố người Công giáo do nhà nước IS… Đức Phanxicô trong Tông huấn đầu triều giáo hoàng đã phác họa những gì ngài muốn tập trung để như “một bản đồ và một hướng dẫn cho việc Phúc Âm hóa”. Ngài kêu gọi các Kitô hữu đừng nhắm mắt làm ngơ trước những thách đố hiện nay, và ngài trình bày nhiều bức xúc lo ngại riêng, nhưng ngài không vô can mà còn tìm cách góp ý với tinh thần trách nhiệm.
1. Bức xúc thứ nhất: Phải chấm dứt bộ mặt đưa đám (số 6)
 “Có những Kitô hữu sống như chỉ có mùa Chay, mà không có mùa Phục Sinh… vì gặp những hoàn cảnh sống đôi khi rất nghiệt ngã… những khó khăn nặng nề phải gánh chịu… những lo lắng tệ hại (số 6). Một người loan báo Tin Mừng (evangelizer) không thể lúc nào cũng có bộ mặt đưa đám (căn bệnh số 12 trong 15 căn bệnh mà ngài đã nói đến) giống như người vừa đi đưa đám về (số 10).
Đức Phanxicô góp ý: “Một điều kiện để có niềm vui là phải rút ra từ nguồn mạch tình yêu của Thiên Chúa được bày tỏ ra trong Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu Kitô là Tin Mừng vĩnh cửu (Kh. 14,6), hôm qua, hôm nay và mãi mãi (số 11), là người Phúc Âm hóa đầu tiên và vĩ đại nhất (số 12). Chỉ có trở về với nguồn Tin Vui ấy thì ta mới có thể thực hiện được lời: “Hãy luôn luôn vui mừng trong Chúa. Tôi nhắc lại hãy vui lên” (Pl 4,4) (số 18).
2. Bức xúc thứ hai: Phải ra khỏi biên giới (số 20)
Đây cũng là ưu tiên số 2 trong 9 ưu tiên mà ngài đã chọn để cải cách Hội Thánh, đó là: ra khỏi khu vực quen thuộc: ra khỏi phòng thánh (số 20), ra khỏi chính mình (số 27), ra khỏi giáo xứ (số 28), để đồng hành gần gũi với đàn chiên (số 44).
Đức Phanxicô góp ý: “Tôi muốn có một Hội Thánh gặp tai nạn, bị thương tích và dơ bẩn vì ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh bệnh hoạn vì đóng cửa kín và thỏa mãn bám víu vào những an toàn riêng tư của mình”. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ muốn mình trở nên trung tâm và rốt cuộc lại giam mình trong sự rối mù của những cái cố định và những thủ tục của mình” (số 49).
3. Bức xúc thứ ba: Sự chênh lệch quá mức trong xã hội về kinh tế và tài chính (số 53)
Đức Phanxicô đã dành cả chương IV của Tông huấn này để trình bày giáo huấn của Hội Thánh về các vấn đề trên. “Có nơi thức ăn dư thừa bị đổ đi, trong khi nhiều người bị đói” (số 53). “Lợi nhuận của một thiểu số đang gia tăng theo cấp số nhân, còn lợi nhuận của đa số lại càng ngày càng kém xa lợi nhuận của một thiểu số “sung sướng”, tham quyền và tham của vô giới hạn” (số 56).
Nguyên nhân chính là do phân phối của cải và lợi tức một cách tồi tệ (số 29). Ngài ước mong “những người may mắn hơn nên khước từ một số quyền lợi của họ để đặt của cải của họ cách quảng đại hơn vào việc phục vụ người khác” (số 190).
4. Bức xúc thứ bốn: Về tiền bạc (số 55, 57)
Tiền bạc đã trở thành ngẫu tượng cai trị con người. Con người phải tôn thờ phục vụ tiền bạc (thờ bò vàng). Tiền bạc cũng là một trong 9 điều phải tránh mà tôi đã từng được nghe 3 giám mục Việt Nam giảng tĩnh tâm hằng năm cho các linh mục nói đến:
- 3 Đ là độc tài, độc đoán, độc tôn.
- 3 L là làm sang, làm biếng, làm phách.
- 3 T là nô lệ: tiền, tình, tửu.
Tông huấn chỉ không nói gì đến 2 T là tình và tửu, và coi 7 cái còn lại là những bức xúc ta không thể vô can.
Đức Phanxicô có nhắc đến một lời kêu gọi xưa, là “Không chia sẻ của cải cho người nghèo là ăn cắp của cải của họ và là tước đoạt sinh kế của họ” (Thánh Gioan Kim Khẩu).
5. Bức xúc thứ năm: Về thói Ươn lười (số 81)
Ươn lười phải hiểu theo nghĩa chuyên môn của Tông huấn, nghĩa là không phải chỉ lười về phần xác, về trí khôn, mà còn là lười về đức tin, về lòng đạo đức với Chúa (acedia). Tông huấn nói: “Có những người lo lắng quá mức cho quyền tự chủ tự trị riêng của mình... và bị chìm đắm trong tình trạng ươn lười về đạo đức nên họ bị tê liệt (số 81). Cái đe dọa lớn nhất cho họ là họ sống đời sống hằng ngày trong Hội Thánh theo đúng thói quen thực dụng, và họ cho như thế là chuyện bình thường, nhưng thực ra đức tin của họ đã phai lạt và bị thoái hóa thành chuyện trẻ con nhỏ nhen... Họ sống với tâm trạng đang ở trong nấm mồ và dần dần trở nên giống như cái xác ướp trong viện bảo tàng” (số 83).
Đức Phanxicô chỉ góp ý về bức xúc này là: “Chúng ta đừng để niềm vui của việc Phúc âm hóa bị đánh cắp mất”. (số 83).
6. Bức xúc thứ sáu: về “thói sống trần tục về mặt tôn giáo” (số 93)
Tông huấn giải thích rằng: “Thói sống trần tục về mặt tôn giáo cốt tại việc núp sau cái vỏ bọc tôn giáo để kiếm tìm không phải vinh quang cho Thiên Chúa, mà là tìm kiếm vinh quang loài người và tìm kiếm cuộc sống dễ chịu cho bản thân mình” (số 93). Cái thói sống trần tục này được biểu lộ trong nhiều thái độ:
- Chăm lo chỉ nhằm để khoe, để phô trương về phụng vụ, về giáo thuyết, về uy thế của Hội thánh.
- Say mê tạo nhiều thành tích về xã hội, chính trị, như du lịch, hội họp, tiệc tùng, tiếp tân.
- Chỉ nhắm đến chuyện mình được thỏa mãn vì được coi là trung tâm (số 95).
Đây chính là thói làm sang,  làm phách, độc tôn, độc đoán và “câu like” mà thôi.
Đức Phanxicô trước hết cầu xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi một Hội Thánh ham thế tục, chỉ núp sau cái vỏ bọc tôn giáo là làm mục vụ. Rồi ngài góp ý rằng cái thói quen gây ngạt thở này chỉ sửa chữa được nhờ hít thở không khí trong lành của Chúa Thánh Thần, có thế mới mong được giải phóng khỏi núp sau vỏ bọc tôn giáo để chỉ tìm vinh thân phì gia và để cho mình bị ăn cắp mất Phúc âm (số 97).
Dịp Tĩnh tâm LM, 25-29/1/2016 
Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng
Nhà hưu dưỡng linh mục Cần Thơ 2016
Nguồn: WGPSG