Thế giới nạn hiện nay có rất nhiều tệ đoan trong đó có nạn bạo hành phụ nữ. Mêhicô là một trong các nước điển hình, đến độ được Liên Hiệp Quốc xếp vào danh sách 25 quốc gia nguy hiểm nhất đối với nữ giới.
Thế giới nạn hiện nay có rất nhiều tệ đoan trong đó có nạn bạo hành phụ nữ. Mêhicô là một trong các nước điển hình, đến độ được Liên Hiệp Quốc xếp vào danh sách 25 quốc gia nguy hiểm nhất đối với nữ giới.
Nhân Ngày quốc tế chống nạn bạo hành phụ nữ năm 2013 ĐC Enrique Sánchez Martinez, Giám Mục Durango, đã mời gọi cộng đoàn ý thức hơn về tệ nạn này. Trong và sau thánh lễ cử hành ngày 24 tháng 11 năm 2013 ĐC khẳng định rằng nạn bạo hành phụ nữ là một thách đố xã hội và văn hoá, bởi vì nó đang trở thành một thái độ sống được xã hội khoan nhượng. ĐC nói: mặc dù điều kiện kinh tế, nạn nghiện rượu và ma tuý không phải là lý do trực tiếp của tệ nạn bạo hành nữ giới, nhưng chúng ta thấy rằng các yếu tố này khiến cho nó gia tăng, nhưng gốc rễ của tệ nạn là nơi việc thực thi quyền bính bất bình đẳng trong cuộc sống gia đình và xã hội. Ngoài nạn bạo lực trong gia đình ĐC cũng than phiền rằng nhiều phụ nữ Mêhicô cũng phải gánh chịu bạo lực trong nhiều bối cảnh xã hội khác nhau, trong đó có môi trường làm việc, nơi không có các điều kiện thích hợp với tình trạng của nữ giới. ĐC nhấn mạnh rằng thực tại bạo lực chống lại nữ giới rất báo động.
Theo thống kê của Hiệp hội phụ nữ quốc gia và các lời tố cáo của hiệp hội, tại Mêhicô hằng năm có 120.000 vụ hãm hiếp phụ nữ, trong đó có 106.000 vụ không hề bị trừng phạt. Trong số 14.000 vụ xử án có gần 4.000 vụ các thủ phạm bị kết án chưa tới 14 tháng tù ở. Từ năm 1985 tới năm 2010 đã có 136.000 vụ bạo lực trong đó có tới 5,6% là chống lại các trẻ em dưới 5 tuổi. Mỗi ngày có 6,5% phụ nữ bị giết, bị vứt vào nghĩa trang hay vào thùng rác công cộng. Trong đất nước chúng ta, ĐC nói, vấn đề bạo hành rất nghiêm trọng. Bẩy phần mười phụ nữ đã là nạn nhân của vài loại tấn kích, trong đó thông thường nhất là kiểm soát tiền bạc, lạm dụng lời nói và sách nhiễu trên các phương tiện di chuyển công cộng hay bị đánh đập.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn bà luật sư Fabiola Higareda, là người từ nhiều năm nay đã nghiên cứu về tệ nạn này.
Hỏi: Thưa bà Fabiola, trong các tuần qua các kênh thông tin truyền thống và các ngã thông tin khác đã đề cập nhiều tới tệ nạn bạo hành phụ nữ tại Mêhicô. Sự thật này có được biện minh không, hay đó đã là điều bị thổi phồng quá đáng?
Đáp: Thật ra các phương tiện truyền thông là một dụng cụ nền tảng giúp tố cáo một tình trạng từ nhiều năm qua đã trở thành chuyện bình thường. Mức độ bạo hành chống lại phụ nữ đã luôn luôn cao, nhưng chính vì sự bình thường hoá từ từ này mà có nhiều “trường hợp đen”, nghĩa là không bị tố cáo, và chính ở đây các phương tiện truyền thông trở thành một yếu tố không chỉ hữu ích, mà trái lại còn bắt buộc phải có để báo động các lương tâm và lôi cuốn sự chú ý trên sự kiện phụ nữ tiếp tục chịu bạo hành dưới nhiều khía cạnh khác nhau.
Hỏi: Bà có thấy rằng chiến thuật của chính quyền Mêhicô thành lập các cơ quan như CONAVIM hay INMUJERES để đương đầu với nạn bạo hành phụ nữ có hữu hiệu không? Việc thành lập nhiều văn phòng hơn trên bình diện liên bang và địa phương có đủ hay không?
Đáp: Việc thành lập các cơ cấu nhằm thăng tiếng các đường lối chính trị giúp nhổ tận gốc rễ nạn bạo hành nữ giới là điều nền tảng giúp tạo thuận tiện, tôn trọng, che chở và bảo đảm quyền của phụ nữ có cuộc sống không bạo lực. Tuy nhiên, điều quan trọng là thay đổi viễn tượng và cách nhìn vấn đề. Tôi có ý nói tới sự cần thiết tạo ra các cơ cấu giúp phòng ngừa nạn bạo lực nói chung, từ một lăng kính trong đó nam giới là tác nhân chính. Phải làm sao để vạch ra các đường lối chính trị nhắm tạo ra một kiểu là người mới. Nói rõ hơn: khi một phụ nữ là nạn nhân của bạo hành trong gia đình từ phía người chồng của mình, thì chạy đến với một cơ quan bảo đảm cho họ được trợ giúp toàn diện, bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau. Như vậy phụ nữ là trung tâm hành động của các cơ cấu chính quyền, trong khi người nam là kẻ đã gây ra bạo lực lại hoàn toàn không được biết tới. Họ không nhận được sự giúp đỡ chữa trị nào giúp họ thay đổi các cung cách hành xử ssai trái, và giúp họ hiểu rằng có các thái độ khác không bạo lực để giải quyết các vấn đề. Vì thế ông ta tiếp tục hành xử bạo lực trong suốt cuộc đời còn lại. Cần phải có các chiến thuật coi bạo lực như là đề tài không chỉ liên quan tới phụ nữ là nạn nhân, mà cũng liên quan tới nam giới là các tác nhân nữa.
Hỏi: Liên quan tới bạo hành tình dục, các phương tiện truyền thông cổ điển có lỗi phần nào khi tổng quát hóa và bình thường hoá nó không thưa luật sư?
Đáp: Các phương tiện truyền thông đáp ứng các nhu cầu của tập thể theo luật nền tảng của thị trường: nhu cầu càng cao thì cung ứng càng lớn. Tại Mêhicô cũng như tại nhiều quốc gia khác trên thế giới phụ nữ bị coi như đối tượng tình dục và sứ điệp này được củng cố bởi hình ảnh mà các phương tiện truyền thông đưa ra. Trên lý thuyết xã hội đòi buộc rằng phái nữ phải có một vai trò bình đẳng trong các phương tiện truyền thông, độc lập với phái tính. Nhưng trong thực tế chị em phụ nữ tiếp tục bị đối xử khác và không đồng đều. Có nhiều phương tiện truyền thông hướng tới công chúng nam giới “tình dục hóa” phụ nữ để có nhiều lợi nhuận hơn khi bán sản phẩm. Có các nguyệt san đăng hình các phụ nữ mình trần ở trang đầu bên cạnh tin tức chính, hay các quảng cáo lấy hình “phụ nữ - đồ vật” để bán một sản phẩm nhất định nào đó. Trong nghĩa này, chúng nắm giữ một vai trò chià khóa trong việc từ từ “bình thường hóa” bạo hành nữ giới.
Hỏi: Trong kinh nghiệm của bà, làm thế nào để sửa chữa sự thiệt hại trong các trường hợp sách nhiễu tình dục giống như trường hợp của cô Andrrea Noel bị một người đàn ông lột quần áo lót, hay của nữ sinh viên Gabriela Nava, bị một nhân viên đại học chụp hình từ dưới váy lên?
Đáp: Cần phải sửa chữa sư thiệt hại trên bình diện xã hội cũng như trên bình diện cơ cấu, vì hai khía cạnh bổ túc cho nhau. Trên bình diện xã hội phải nêu rõ rằng các sự kiện mà hai chị Andrea và Gabriela đã sống là các cử chỉ bạo hành không thể bỏ qua được. Trên bình diện cơ cấu chính quyền cần ý thức về sự kiện các cử chỉ như thế phải được điều tra và trừng phạt. Cả hai loại sửa chữa sự thiệt hại đã gây ra chứng minh cho xã hội thấy rằng không có loại bạo hành nào đối với phụ nữ mà không tự động ảnh hưởng trên bình diện phòng ngừa.
Hỏi: Theo bà đâu là vài trò của hệ thống thông tin xã hội trong các trường hợp vừa mới nhắc đến trên đây, hay trong trường hợp của nhóm “Los Porkys” là bốn thanh niên con nhà giầu tiểu bang Veracruz đã bạo hành tình dục một bé gái vị thành niên?
Đáp: Cả các mạng xã hội cũng có một vai trò hàng đầu trong việc minh nhiên số vụ bạo hành tình dục cao mà phụ nữ phải gánh chịu trong đất nước Mêhicô này, cũng như đưa ra ánh sáng sự thinh lặng và chủ trương duy nam giới thường bao bọc những gì đã xảy ra. Cũng chính sự thinh lặng và chủ trương duy nam giới được phản ánh trong các đe dọa, các nhục mạ và chế nhạo mà các nạn nhân phải chịu trên mạng xã hội.
Các mạng này vì thế là một khí giới hai mặt: một đàng chúng nêu bật các mất thăng bằng và các nhu cầu của xã hội, đàng khác chúng là dụng cụ đàng sau đó ẩn nấp hàng ngàn người còn tin rằng nếu phụ nữ bị hãm hiếp là bởi vì họ đáng bị như vậy, vì cách họ ăn mặc, nói năng, vì những gì họ làm, hay một cách đơn sơ vì họ là phụ nữ. Nhiều lời bình luận này đã bị phản bác bởi hàng ngàn tiếng nói ý thức về nguồn gốc thật của bạo lực đối với nữ giới và các âm vang của nó.
Sự phẫn nộ của xã hội phải tiếp tục là động lực của các mạng xã hội. Và chính sự phẫn nộ này đã khiến cho chính quyền xét lại trường hợp của các nạn nhân, vì ban đầu các quyền lợi của họ đã bị chối bỏ, nó đã khiến cho các người nam nữ suy tư về các tương quan quyền lực liên lụy tới cuộc sống thường ngày của người dân, nhưng nhất là sự phẫn nộ này đã trao ban tiếng nói cho hàng ngàn phụ nữ nạn nhân của bất cứ hình thức bạo hành nào trong cuộc sống của họ.
Hỏi: Thưa luật sư Fabiola Higareda, luật sự có muốn nhắn gửi một sứ điệp cho biết bao nhiêu phụ nữ Mêhicô đã từng là nạn nhân của bạo hành và gặp khó khăn trong việc đạt tới công lý không?
Đáp: Còn rất nhiều điều cần phải làm liên quan tới công lý cho các chị em nạn nhân của bạo lực tình dục. Chúng ta cần có các cơ cấu mạnh mẽ trả lời cho các câu hỏi của chúng ta: các nhân viên của chính quyền cần được đào tạo và gây ý thức liên quan tới vấn đề này; cần có các luật lệ không dựa trên một lược đồ tập trung vào nam giới… Xem ra chúng ta đang bước đi trong hướng đúng đắn. Tuy nhiên, để có được các kết quả cụ thể, các người nam nữ cần cùng nhau tiếp tục đòi hỏi các quyền lợi của mình, bằng cách cố gắng hết sức có thể cho thấy các thiếu sót trầm trọng hiện nay.
Hỏi: Sau cùng bà có cảm thấy an ninh khi đi một mình trên đường phố hay khi leo lên các phương tiện di chuyển công cộng của thành phố Mêhicô hay không?
Đáp: Tôi tin rằng không có phụ nữ nào trong thành phố Mêhicô cảm thấy an toàn, khi đi một mình trên đường phố hay leo lên một xe công cộng. Có lẽ thích hợp hơn khi nói rằng chúng tôi đã quen sống vơi sự sợ hãi thường xuyên ấy.
Linh Tiến Khải
Nguồn: Radio Vatican