Ba khía cạnh nền tảng trong căn tính của những người sống đời thánh hiến là cử hành, đồng hành và làm chứng tá.
Ngỏ lời với các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh, ĐTC đã khai triển ý nghĩa ba động từ diễn tả ba khía cạnh nền tảng trong căn tính của những người sống đời thánh hiến như trên. Các lời truyền phép mà linh mục đọc mỗi khi cử hành Thánh lễ: “Các con hãy cầm lấy và ăn: này là Mình Thầy bị hiến tế vì các con”. Lời này không được ở lại trên bàn thờ mà phải đi vào cuộc sống, là chương trình ngày sống của chúng ta. Phải sống như thế chứ không phải chỉ nói lên trong con người của Chúa Kitô và cùng với Chúa Giêsu mà thôi.
ĐTC định nghĩa linh mục như sau:
Linh mục là con người của hiến dâng
Các lời Truyền Phép như thế vạch ra các nét của căn tính chúng ta, nhắc nhở rằng linh mục là con người của hiến dâng, của việc trao ban chính mình, mỗi ngày, không nghỉ hè, không ngưng nghỉ. Bởi vì cuộc sống linh mục không phải là một nghề nghiệp, nhưng là một hiến dâng, một sứ mệnh. Vì thế, mỗi ngày phải xét mình dựa trên các lời Truyền Phép: “Hãy cầm lấy và ăn vì này là Mình Thầy đã hiến dâng vì các con”, và tự hỏi: hôm nay tôi đã cho đi cuộc sống vì tình yêu Chúa chưa? Tôi đã để cho các anh em khác ăn tôi chưa? Cha Pino đã sống như thế: đoạn kết cuộc đời ngài đã là hậu quả của Thánh lễ cha đã cử hành mỗi ngày.
Linh mục là con người của tha thứ
Nhưng còn có một công thức bí tích thứ hai diễn tả căn tính linh mục, đó là “Ta tha tội cho con”. Ở đây có niềm vui trao ban ơn tha thứ của Thiên Chúa. Ở đây linh mục, con người của hiến dâng cũng là con người của ơn tha thứ. Thật thế, các lời của bí tích Hòa Giải không chỉ nói lên điều xảy ra khi chúng ta hành động trong con người của Chúa Kitô, nhưng cũng chỉ cho thấy hành động thế nào theo Chúa Kitô. Linh mục - con người của ơn tha thứ được mời gọi nhập thể các lời “Ta tha tội cho con”. Linh mục không mang thù oán, không lấy ác báo ác. Linh mục là người mang hòa bình của Chúa Kitô: nhân từ, thương xót, có khả năng tha thứ cho người khác như Thiên Chúa tha thứ cho họ qua linh mục (x. Ep 4,32). Linh mục đem hòa thuận tới nơi đâu có chia rẽ, hài hòa tới nơi đâu có tranh cãi, an bình tới nơi đâu có oán hờn. Linh mục là sứ vụ hòa giải toàn thời: ban phát tha thứ và hòa bình không phải chỉ trong tòa giải tội mà ở khắp mọi nơi. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta là những người lành mạnh đem Tin Mừng, có khả năng tha thứ thật lòng, yêu thương thù địch và cầu nguyện cho người làm hại chúng ta (x. Mt 18,35; 5,44).
ĐTC nhấn mạnh tầm quan trọng của chủng viện và cộng đoàn là nơi tập luyện tha thứ, ước muốn hiệp nhất theo Thiên Chúa chứ không chia rẽ theo ma quỷ. Đó là nơi chấp nhận các anh chị em khác, và làm việc mỗi ngày để thắng vượt các khác biệt. Đó là phần nòng cốt của căn tính của linh mục và những người sống đời thánh hiến. Gieo cỏ lùng, gây chia rẽ, nói xấu nói hành, bép xép không phải là các tội nhỏ mà mọi người đều phạm: đó là khước từ căn tính là linh mục, là những người của ơn tha thứ. Căn tính người sống đời thánh hiến là những người của sự hiệp thông. Cần luôn luôn phân biệt lỗi lầm với kẻ phạm lỗi, và yêu thương chờ đợi các anh chị em lầm lỗi. Cha Pino đã luôn luôn sẵn sàng với mọi người và chờ đợi họ với con tim rộng mở, kể cả các kẻ tội phạm.
Động từ cử hành bao gồm sự hiến dâng và tha thứ. Cuộc sống và phụng vụ phải giao thoa nhau. Linh mục là người của Thiên Chúa 24 giờ trên 24 giờ, chứ không phải chỉ trong khi mặc lễ phục. Ước chi phụng vụ là cuộc sống chứ không phải lễ nghi. Vì thế cần cầu nguyện với Đấng mà chúng ta nói đến, dưỡng nuôi mình bằng Lời mà chúng ta giảng dạy, thờ lạy Bánh mà chúng ta thánh hiến và làm điều đó mỗi ngày. Cầu nguyện Preghiera, Lời Parola và Bánh Pane, Cha Pino Puglisi Padre Pino Puglisi “ba chữ P” giúp chúng ta nhờ tới 3 chữ P nòng cốt này đối với từng linh mục mỗi ngày.
Liên quan tới việc cử hành, ĐTC kêu gọi các linh mục duy trì và đánh giá cao lòng đạo đức bình dân rất phổ biến trong vùng đất này, vì nó có một sức mạnh truyền giáo (x. Evangelii gaudium, 122-126), nhưng nhân vật chính phải luôn luôn là Chúa Thánh Thần: “Vì thế tôi xin anh em canh chừng để lòng đạo đức bình dân không bị lèo lái bởi sự hiện diện tội phạm, vì khi đó thay vì là phương thế của việc thờ lạy yêu mến, nó trở thành kiểu phô trương thối nát”.
Và Đồng hành…
Nó là từ chìa khóa của việc mục vụ ngày nay. Cần có các người nhập thể sự gần gũi của Chúa Chiên Lành, cần có các linh mục là hình ảnh sống động của sự gần gũi: nghèo nàn của cải và tuyên bố, giàu tương quan và cảm thông. Cha Puglisi nói với người trẻ hơn là nói về người trẻ. Ở với họ, theo họ, cùng với họ nêu lên các câu hỏi thật nhất và đưa ra các câu trả lời đẹp nhất. Đó là một sứ mệnh nảy sinh từ lòng kiên nhẫn và việc lắng nghe, tiếp đón từ việc có một con tim hiền phụ chứ không bao giờ là của chủ nhân... Chúng ta hãy học nơi cha Pino và khước từ mọi linh đạo không nhập thể và bẩn tay với các vấn đề của dân chúng. Chúng ta hãy đi gặp gỡ dân chúng với sự đơn sơ của người muốn yêu thương với Chúa Giêsu trong tim, không có các chương trình vĩ đại, không chạy theo mốt mau qua. Cuộc sống gặp gỡ, lắng nghe, chia sẻ là cuộc sống của Giáo hội. Cùng lớn lên trong giáo xứ, theo các lộ trình của giới trẻ tại học đường, đồng hành gần gũi với các ơn gọi, các gia đình, các người đau yếu; tạo ra các nơi gặp gỡ cầu nguyện, suy tư, chơi giỡn, qua thời giờ một cách lành mạnh và học sống như các Kitô hữu tốt lành và các công dân liêm chính. Đó là một việc mục vụ làm nảy sinh và giúp tái sinh chính linh mục.
Tiếp đến ĐTC đã nhắn nhủ riêng các nữ tu và nói: “Sứ mệnh của các chị rất lớn, bởi vì Giáo hội là mẹ và kiểu đồng hành của Giáo hội luôn luôn và phải luôn luôn có nét hiền mẫu. Và như thế thật là quan trọng việc các chị thám dự vào các sinh hoạt mục vụ, vén mở cho thấy gương mặt của Giáo hội là mẹ. Và tôi cũng muốn cám ơn các nữ tu chiêm niệm, vì với lời cầu nguyện và sự tận hiến hoàn toàn cuộc sống, họ là trái tim của Giáo hội mẹ và đập nhịp tình yêu thương nối liền tất cả trong Thân Mình của Chúa Kitô.
…làm chứng tá
Điều này liên quan tới tất cả chúng ta và cách riêng đối với đời tu sĩ, tự nó là chúng ta và là ngôn sứ của Chúa trong thế giới. Căn nhà nơi cha Puglisi đã sống rất đơn sơ. Nó là dấu chỉ hùng hồn của một cuộc đời thánh hiến cho Chúa, không tìm các an ủi và vinh quang thế gian. Dân chúng tìm điều đó nơi linh mục và nơi những người được thánh hiến. Cuộc sống diễn tả mạnh mẽ hơn các lời nói. Chứng tá hay lây. Chúng ta hãy xin Chúa cho mình được ơn đó - Người ta có thể tranh luận nhiều về tương quan giữa Giáo hội và thế giới, Tin Mừng và lịch sử, nhưng không ích lợi gì, nếu Tin Mừng không đi trước bằng cuộc sống. Điều này có nghĩa là các sứ vụ: không giữ các nhiệm vụ, nhưng là phục vụ trong tươi vui, không tùy thuộc những gì qua đi và không cột buộc mình vào quyền bính của thế giới. Như thế tự do để làm chứng, người ta biểu lộ Giáo hội là bí tích của ơn cứu độ, nghĩa là dấu chỉ và dụng cụ cống hiến ơn cứu rỗi cho thế giới.
Giáo hội không ở bên trên thế giới, nhưng ở bên trong thế giới để làm cho nó dậy men. Vì vậy phải loại bỏ mọi hình thức giáo sĩ trị: chúng ta không được có các thái độ kênh kiệu, ngạo mạn hay uy quyền. Để là các chứng nhân đáng tin cậy, cần nhớ rằng trước khi là linh mục, chúng ta luôn luôn là phó tế; trước khi là thừa tác được thánh hiến, chúng ta là anh em của mọi người. Cả óc tìm kiếm địa vị và gia đình trị cũng phải gạt bỏ bởi vì cái luận lý của chúng là thứ luận lý của quyền bính, nhưng linh mục không phải là người của quyền bính mà của việc phục vụ. Thề rồi làm chứng tá có nghĩa là trốn chạy mọi kiểu sống hai mặt trong chủng viện, trong đời tu, trong đời linh mục. Không thể sống luân lý hai mặt: một cho dân Chúa, một trong nhà riêng. Chứng nhân của Chúa Giêsu phải luôn luôn thuộc về Ngài. Vì tình yêu Ngài mà ta dấn thân chiến đấu mỗi ngày chống lại các tật xấu của mình và mọi tinh thần thế tục tha hóa.
Sau cùng chứng nhân là người không nói quanh co nhưng với nụ cười và sự thanh thản tin tưởng, biết khích lệ ủi an, vì họ vén mở một cách tự nhiên sự hiện diện của Chúa Giêsu phục sinh và sống động.
ĐTC cầu chúc mọi người trở thành các chứng nhân của niềm hy vọng.
Linh Tiến Khải - Vatican