Vatican: Hội nghị về cuộc chiến chống nạn buôn người

Đây là cuộc họp lần thứ năm của tổ chức mang tên Nhóm Thánh Marta. Được sự đồng ý của Đức giáo hoàng Phanxicô, tổ chức này bao gồm các viên chức cảnh sát và một số giám mục

WHĐ (11.02.2018) – Trong hai ngày 8 và 9 tháng Hai 2018, tại Vatican, đã diễn ra hội nghị về nạn buôn người và tình trạng nô lệ thời hiện đại. Hội nghị quy tụ các vị chủ chăn trong Giáo hội và các viên chức cảnh sát cao cấp thuộc hơn 30 quốc gia, thảo luận về thành công và thất bại của các sáng kiến.
Đây là cuộc họp lần thứ năm của tổ chức mang tên Nhóm Thánh Marta. Được sự đồng ý của Đức giáo hoàng Phanxicô, tổ chức này bao gồm các viên chức cảnh sát và một số giám mục, thành lập vào năm 2014, theo sáng kiến của Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales (CBCEW), lấy tên Thánh Marta của khu nhà Đức Thánh Cha đang ở đặt cho tổ chức.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã nghe các phúc trình của 18 quốc gia và nhiều cơ quan quốc tế, đồng thời nghe các phát biểu của ông Greg Burke, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, và ông Alexander DesForges, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales.
Đức hồng y Vincent Nichols, Tổng giám mục Westminster, hôm 9 tháng Hai, đã nói với các phóng viên rằng ngài thấy “ngượng” khi nghe các đại biểu trình bày. “Điều có ý nghĩa quan trọng trong hội nghị này là các đại biểu sẵn sàng nói lên những cảm nhận về thất bại cũng như thành công”, Đức hồng y nói.
Thông thường, những kiểu hội nghị như thế này thì “toàn nói về chúng ta thật là tốt, chúng ta sẽ thực hiện, chúng ta hứa…” Đức hồng y nói thêm. Nhưng lần này, mọi người chẳng khách sáo “để nói thẳng với nhau ‘Này, hiện chúng ta chỉ mới bắt đầu thôi’, hoặc ‘Hiện chưa làm được việc này’”, Đức hồng y nói.
Đức hồng y Nichols cho biết, theo ước tính, hiện có 42 triệu người khắp thế giới sống cảnh nô lệ cách này cách khác. “Thảm trạng buôn người”, ngài nói “chưa bao giờ lại lớn hơn lúc này”.
Đức cha Augustine Akubeze, Tổng giám mục Benin City, Nigeria, cũng tham dự hội nghị, đã nói với các nhà báo: Hội đồng Giám mục Nigeria đã tham gia Nhóm Thánh Marta vì quốc gia của các ngài là một trong những nước có số nạn nhân của nạn buôn người lớn nhất.
Ngài nói nhờ có Nhóm Thánh Marta, chính quyền Nigeria mới ý thức hơn đến vấn đề này và bắt đầu hành động nhiều hơn nhằm giải quyết vấn đề. Ngài cho biết cụ thể thảm họa buôn người là do thiếu học hành và không có việc làm.
Khi lâm cảnh đói nghèo, dân chúng dễ bị lôi kéo vào nạn buôn người, trở thành kẻ buôn người hay nạn nhân bị buôn bán, ngài nói. Các giám mục cũng đang mở các chương trình nhằm nâng cao nhận thức và giảng dạy tại các trường học nhằm giúp người trẻ đừng rơi vào tay bọn buôn người.
Các giám mục đưa người đến dự các cuộc họp của Nhóm Thánh Marta để “tìm những ý tưởng tốt hơn nữa”, Đức Tổng giám mục Akubeze nói “để khi về nhà, chúng tôi thử bắt tay vào việc”.
Đức hồng y Charles Bo, Tổng giám mục Yangon, Bangladesh, nói rằng nghe những kinh nghiệm của các đại biểu thuộc các châu lục thì thật bổ ích và bản thân ngài đã gặt hái được ích lợi lớn nhất.
“Sau khi nghe khía cạnh tích cực cũng như điểm yếu của các sáng kiến và thực trạng nạn buôn người, tôi tin rằng nhiều người chúng ta đang làm việc trong Nhóm này thực sự có một quyết tâm mới nhằm loại bỏ thảm họa buôn người này”, ngài nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp các đại biểu tham dự hội nghị vào buổi họp kết thúc hôm 9 tháng Hai. Ngỏ lời với các vị chủ chăn trong Giáo hội và với các viên chức cảnh sát khắp thế giới, ngài nói “kinh nghiệm cho thấy những hình thức nô lệ hiện đại này đang lan rộng hơn những gì trước đây chúng ta hình dung – kể cả ngỡ ngàng và xấu hổ – tại các nơi thịnh vượng nhất trong xã hội chúng ta”.
“Lời Chúa gọi Cain, trong những trang đầu của Kinh Thánh – ‘Em ngươi đâu?’ – đang thách đố chúng ta phải xem xét nghiêm túc những hình thức đồng lõa khác nhau được xã hội chấp nhận, và khuyến khích, nhất là đối với nạn buôn bán tình dục, bóc lột những người nam và nữ, trẻ em dễ bị tổn thương”, ngài nói tiếp.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói những sáng kiến nhằm chống lại nạn buôn người không những phải xem xét việc phá hủy cơ cấu tội phạm, mà còn cả việc sử dụng có trách nhiệm công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông. Ngài nói thêm chúng ta cũng cần xem xét những nội hàm đạo đức của các mô hình kinh tế coi trọng lợi nhuận hơn con người.
“Tôi tin việc bàn bạc của quý vị trong những ngày vừa qua sẽ giúp nâng cao nhận thức phải giúp đỡ hơn nữa đối với các nạn nhân của tội ác này bằng cách đồng hành với họ trên con đường tái hội nhập xã hội và phục hồi nhân phẩm của họ”, ngài nói.
“Giáo hội rất biết ơn mọi nỗ lực nhằm mang lòng thương xót của Chúa đến với người đang chịu đau khổ, vì việc này cũng là một bước quan trọng trong việc chữa lành và canh tân toàn xã hội”.
(Theo CNA)
 
Thành Thi chuyển ngữ
Nguồn: HĐGMVN