Người thánh hiến sống niềm vui Tin Mừng

Đời sống thánh hiến sở dĩ gây thắc mắc cho người ngoài vì lối sống của tu sĩ tương phản với xu thế của xã hội hiện đại là thống trị, sở hữu và tự do. Trong lòng Hội thánh, các tu sĩ “trước mặt tất cả mọi tín hữu là một sự nhắc nhở về cuộc kết hôn kỳ diệu được Thiên Chúa thực hiện, và sẽ biểu lộ trọn vẹn trong tương lai, nhờ thế mà Giáo hội lấy Đức Kitô làm lang quân duy nhất” (DT 12). Vậy chính người thánh hiến thấy gì và yêu thích đời sống này ra sao?

Đời thánh hiến mời gọi tu sĩ mỗi ngày khám phá giá trị đích thực đời tu trong niềm vui Tin mừng. Cuộc khám phá này giúp họ không thấy đời tu đơn điệu nhưng phong phú. Cái nhìn tích cực này đem lại sức sống năng động cho người thánh hiến. Trong một buổi hội thảo tại TTMV Tổng Giáo phận Sài Gòn tháng 8/2018, có gần 300 tu sĩ nam nữ thuộc nhiều hội dòng tham dự, khi được hỏi: Theo bạn đâu là nét đẹp nhất của đời thánh hiến? Gần như tất cả đều cho rằng đó là “Niềm Vui”. Đúng là đời sống tu trì không chỉ có 3 lời khuyên Phúc âm: thanh khiết – thanh bần – vâng phục làm nền tảng, nhưng trong quá trình hình thành nếp sống đó không thể thiếu niềm vui “Niềm vui Tin Mừng làm sinh động cộng đoàn các môn đệ là một niềm vui truyền giáo. Bảy mươi hai môn đệ đã cảm nhận niềm vui này khi họ từ nơi truyền giáo trở về” (Evangelii Gaudium 21).
Niềm vui đích thực trong tâm hồn giúp tu sĩ giữ vững căn tính và tăng trưởng chiều kích thiêng liêng. Trên đà tiến triển này, tu sĩ phải chiến đấu với những thách đố của thực tại xã hội và thách đố của bản chất tự nhiên con người. Một thách thức mà ít ai nghĩ tới là tu sĩ phải cân nhắc, chọn lựa thái độ sống để có cân bằng giữa thực tại ẩn và hiện. Vì chúng ta sống chứng tá niềm vui Tin mừng nên niềm vui nơi Đức Giêsu phải được hiện tỏ ra cho mọi người thấy, nhưng nếu tỏ hiện hoàn toàn thì xem ra tu sĩ lại thuộc về thế gian. Vậy làm thế nào để vừa ẩn lại vừa hiện và ngược lại hiện đó mà như ẩn? 
Điều này tuy khó nhưng nó làm thành nét đặc trưng đời thánh hiến, tu sĩ sống chứng tá niềm vui Nước Trời giữa thế gian, mà vẫn giữ được căn tính của mình là thuộc về Đức Kitô. Để làm được điều này, họ phải năng trở lại với Đức Kitô của lần gặp gỡ đầu tiên. Nói đến tình yêu ấn tượng đầu tiên hai người nam nữ để lại cho nhau bao giờ cũng đẹp nhất, đáng nhớ nhất. Tình yêu thánh hiến cũng thế, những lúc nản chí, muốn thoái lui, người thánh hiến phải dừng lại, trở về với ký ức đầu tiên đã có với Đức lang quân của mình. Nhờ đó, tình yêu và lòng nhiệt huyết dâng hiến trong họ được kiện cường trở lại.
Sống chứng tá niềm vui Tin mừng, người thánh hiến không được khép kín mình trong bức tường Hội dòng như một pháo đài của sự an toàn vì ở đó họ được cung cấp đầy đủ vật chất, phương tiện học hành… Nhưng tất cả những thứ đó phải hướng tâm hồn tu sĩ biết mở ra, hăng say dấn thân trong sứ vụ, nhạy bén trước nhu cầu của tha nhân. Đức Giê-su luôn biết đám đông đi theo mình cần gì khi bảo các môn đệ “chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9,13) còn các môn sinh lại nhắc nhở hãy tìm nơi vắng vẻ để mà nghỉ ngơi (x. Mc 6, 31). Quả thật, khi được chìm đắm trong bầu khí an bình của những buổi phụng vụ hay giờ cầu nguyện, tu sĩ không được quên, bên ngoài còn bao người bơ vơ, đói ăn, thiếu mặc, khát tình thương, phải chiến đấu với bệnh tật… Sống niềm vui Tin mừng, tu sĩ không trở nên xa lạ với tha nhân, nhưng bận tâm với mọi ưu tư của thế giới như đau khổ, bệnh dịch, chiến tranh, thiên tai...
Niềm vui đời thánh hiến là niềm vui của người đang yêu và được yêu. Tình yêu huyền nhiệm giữa một con người cụ thể với một ngôi vị Thần linh. Bằng niềm vui của mình, người thánh hiến được mời gọi trở nên chứng tá sống động cho tình yêu Đức Kitô, không giới hạn ở một nhóm người, một bậc sống, nhưng phổ quát như Đức Kitô muốn ôm trọn nhân loại vào trong cung lòng thương xót. Chúa Giêsu mời gọi tu sĩ truyền lan tâm tình này cho thế giới, khi hiến dâng cuộc đời để thực thi ý muốn của Ngài. Bằng tình yêu đặc biệt, Chúa Giêsu đã ghi khắc hình ảnh mình trong trái tim, trên đôi tay, đôi chân của những người thánh hiến và trong căn phòng nội tâm người thánh hiến, Ngài không ngừng ngỏ với họ rằng: “Ta đã yêu con bằng mối tình muôn thưở, nên Ta vẫn dành cho con lòng xót thương” (Gr 31,3).
Nt. Scholastica Vũ Hiền
Nguồn: giáo phận Bùi C