Đôi khi người ta có thể phàn nàn rằng Thiên Chúa bỏ rơi mình, phàn nàn về sự im lặng của Thiên Chúa, nhưng lại quên rằng khi chúng ta phạm tội là từ bỏ Thiên Chúa, quay lưng lại với Ngài để nhìn vào mình
“Lòng thương xót mở ra hy vọng, tạo ra hy vọng và nuôi dưỡng niềm hy vọng”
Đức Thánh Cha gặp gỡ các Thừa sai Lòng Thương xót
WHĐ (11.04.2018) – Vị giải tội không được phán xét hay lên án người tội lỗi hối cải, nhưng phải mở rộng vòng tay đón nhận người ấy, và để cho người ấy được hưởng nếm trọn vẹn lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa: đó là nội dung chính của bài huấn từ Đức Thánh Cha Phanxicô nói với hơn 500 nhà thừa sai lòng thương xót từ khắp nơi trên thế giới quy tụ tại Roma trong cuộc gặp gỡ lần thứ hai với Đức Thánh Cha vào sáng thứ Ba 10-04-2018, hai năm sau khi thừa tác vụ đặc biệt này được Đức Thánh Cha thiết lập nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương xót.
Đây là một tác vụ lẽ ra đã chấm dứt khi kết thúc Năm Thánh;
nhưng nhiều chứng từ về lòng hoán cải –là hoa quả trực tiếp của tác vụ này– được gửi đến Đức Thánh Cha, đã thúc đẩy ngài gia hạn thêm một thời gian, vì chiều kích ngôn sứ và thừa sai của tác vụ ấy.
“Anh em là dấu chỉ cụ thể mà Giáo hội không thể, không được phép và không muốn tạo ra bất kỳ một rào cản hoặc khó khăn nào gây trở ngại cho việc đến với ơn tha thứ của Chúa Cha”, đó là lời mở đầu của bài huấn từ dài mà Đức Thánh Cha nói với các nhà thừa sai của lòng thương xót để khích lệ họ trong trách nhiệm mà ngài uỷ thác cho họ; hầu cho lòng thương xót mà họ được kêu gọi sống và giúp người khác sống lòng thương xót ấy, sẽ được biẻu lộ một cách tốt nhất.
Linh mục là người được thương xót
Trước hết Đức Thánh Cha muốn nhắc lại bản chất sứ vụ tông đồ của linh mục: linh mục là người phân phát lòng thương xót qua việc giải tội;
và linh mục làm điều ấy dựa vào nhiều đoạn văn tiêu biểu trong Kinh thánh (Isaia, Thánh Phaolô, v.v...).
“Chúng ta là những cộng tác viên của Thiên Chúa ... sứ điệp mà chúng ta mang lấy nhân danh Chúa Kitô là làm hoà với Thiên Chúa”.
Trách nhiệm này “đòi hỏi một cuộc sống phù hợp với sứ mạng mà chúng ta đã nhận”, và giả thiết một điểm khởi đầu, đó là kinh nghiệm nền tảng về lòng thương xót, mà Đức Thánh Cha luôn muốn nhắc lại.
“Chúa đã đối xử với tôi bằng tình thương xót (...) chúng ta cảm nghiệm lòng thương xót và chúng ta biến đổi mình khi thi hành thừa tác vụ của lòng thương xót”.
Vì thế, vị giải tội không phải là người đứng trên người khác, nhưng cũng giống như thánh Phaolô, là người được chọn dù là tội nhân, và được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa.
Mở rộng vòng tay đón nhận người có tội
Nhận ra mình là tội nhân tức là nhận biết tác động cứu chuộc và thánh hóa của ân sủng.
Hòa giải không phải là kết quả của sáng kiến riêng của chúng ta, mà là của Thiên Chúa, “Đấng vượt trên chúng ta trong tình yêu”, Đấng đi bước trước và đã ở trong lòng của tội nhân đang đến với toà giải tội.
Nhiệm vụ của linh mục là nâng đỡ hành động này;
nhưng đôi khi cũng có trường hợp linh mục vì thái độ của mình mà làm cho tội nhân xa tránh.
“Chẳng hạn, để bảo vệ sự toàn vẹn của lý tưởng Phúc Âm, chúng ta coi thường những bước tiến bộ từng ngày mà một người thực hiện được”.
Như thế là quên rằng nhìn nhận lòng hối cải của tội nhân là dang rộng vòng tay đón nhận người ấy, như người cha của đứa con hoang đàng: ông còn không để cho đứa con nói xong lời tạ lỗi.
Linh mục không ở đó để làm cho tội nhân cảm thấy tội lỗi vì điều xấu mà người ấy đã hối cải.
Nhưng linh mục phải khích lệ người có tội, làm cho người ấy hiểu rằng ơn tha thứ là sự giải thoát thật sự, mang lại niềm vui và phẩm giá, và “lòng thương xót mở ra hy vọng, tạo ra hy vọng và nuôi dưỡng niềm hy vọng”,
đồng thời bí tích hòa giải là lúc mà người ta cảm nghiệm niềm an ủi nội tâm.
Vững tin vào tình yêu của Thiên Chúa
Đôi khi người ta có thể phàn nàn rằng Thiên Chúa bỏ rơi mình, phàn nàn về sự im lặng của Thiên Chúa, nhưng lại quên rằng khi chúng ta phạm tội là từ bỏ Thiên Chúa, quay lưng lại với Ngài để nhìn vào mình.
Dù sao cảm nghiệm về sự im lặng của Thiên Chúa là có thực;
nếu cảm nghiệm ấy không được lồng vào một cảm nghiệm về tình yêu, thì cảm giác bị bỏ rơi này sẽ trở thành “bi kịch, mất đi ý nghĩa”, vì ở đó không có hy vọng.
Theo nghĩa này, lời của tác giả thánh vịnh: “Lạy Thiên Chúa của tôi, sao Ngài từ bỏ tôi?” mà Chúa Giêsu dùng làm lời của Người và kêu lên khi chịu đóng đinh trên thánh giá, đã vang lên cách hết sức đặc biệt.
Chúa Cha không trả lời Người, nhưng sự im lặng của Chúa Cha, Đức giáo hoàng giải thích, “là cái giá phải trả để không còn ai cảm thấy mình bị Thiên Chúa bỏ rơi”.
Cuối cùng Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy lại hình ảnh “thật khó tin”, đó là Thiên Chúa ghi khắc tên người tín hữu trong lòng bàn tay của Ngài (Is 49,16), như một “dấu ấn để tôi tin chắc rằng Ngài chẳng bao giờ rời xa tôi”.
Và chính với niềm tin tưởng vào tình yêu ấy mà các Thừa sai Lòng Thương xót được kêu gọi nâng đỡ những ai đến với toà giải tội, để mang lại cho họ “sức mạnh để tin tưởng và hy vọng”.
(Vatican News)
Minh Đức
Nguồn: Radio Vatican