“Tôi cũng muốn nói rằng ai biến người khác thành nạn nhân thì chẳng thay đổi được gì, mà trái lại, hành động ấy làm cho chính mình yếu đi”. Đó là thông điệp mà cô Dalia muốn gửi đến cả những người trẻ ở những nơi mà các Kitô hữu bị phân biệt đối xử thực sự
WHĐ (27.03.2018) – Đức giáo hoàng Phanxicô muốn rằng Thượng Hội đồng Giám mục về giới trẻ -sẽ nhóm họp vào tháng Mười năm nay-, là dịp để Giáo hội lắng nghe tất cả những người trẻ, không chỉ là người trẻ Công giáo. Chính vì thế, cả những người không tin và tín đồ của các tôn giáo khác cũng được mời tham dự Cuộc gặp gỡ Tiền-Thượng Hội đồng - diễn ra tại Roma từ ngày 19 đến ngày 24 tháng Ba 2018 vừa qua. Báo La Croix của Pháp đã gặp gỡ một số bạn trẻ tham dự Cuộc gặp gỡ này, trong số đó có Dalia Al Mokdad, 27 tuổi, một cô gái Liban theo Hồi giáo. Dalia Al Mokdad cùng với một cô gái khác ở Indonesia, là hai đại diện của người trẻ Hồi giáo.
Việc Dalia được mời không phải là ngẫu nhiên. Từ năm 2012, cô làm việc tại Adyan Foundation, một tổ chức phi chính phủ của Liban nhằm cổ vũ hoà bình, đoàn kết và nhân phẩm. Đối thoại liên tôn, công việc yêu thích của Dalia, là trọng tâm của tổ chức này do một linh mục Maronite, cha Fadi Daou làm chủ tịch. Với tư cách thành viên của Adyan Foundation, cô đã phát biểu trước các bạn trẻ trong Ngày Giới trẻ Thế giới ở Krakow, Ba Lan vào tháng Bảy 2016,trong khuôn khổ các hội thảo về Hồi giáo và Hoà bình. Và sau kinh nghiệm trên, cô lại được mời tham dự Cuộc gặp gỡ Tiền-Thượng Hội đồng này.
Đại diện cho giới trẻ Hồi giáo tham dự một hội nghị của Giáo hội Công giáo là một trách nhiệm thật khó khăn. Nhưng Dalia nhẹ nhàng nói ngay: “Nhiều người Hồi giáo không muốn tôi đại diện cho họ, và tôi cũng không muốn đại diện cho họ”, cô vừa nói vừa cười lớn. Là một tín đồ Hồi giáo cởi mở, cô gái trẻ này đã không còn đeo mạng che mặt từ mấy tháng nay và có cái nhìn rất sáng suốt về tình hình hiện tại của Hồi giáo ở nhiều nơi trên thế giới. Ngay trước khi đến Roma, tại Bộ Ngoại giao Anh Quốc ở London, trong một bài phát biểu về chủ nghĩa khủng bố cô đưa ra lời kêu gọi “đừng tổng quát hoá một cách tích cực hay tiêu cực. Nếu không có vấn đề gì, thì tôi đã chẳng làm công việc mà tôi đang làm hôm nay”.
Trong cuộc gặp gỡ này của người Công giáo, cô muốn truyền đạt điều gì? Cô Dalia nói: “Trước hết, tôi muốn nói với họ rằng đa dạng chính là hiệp nhất. Chúng ta không thể sống khép kín. Và điều này cũng đúng ngay trong Giáo hội”.Vì cô biết rất rõ rằng người Công giáo cũng có lúc gặp khó khăn trong việc chấp nhận sự khác biệt riêng của họ. “Tôi cũng muốn nói rằng ai biến người khác thành nạn nhân thì chẳng thay đổi được gì, mà trái lại, hành động ấy làm cho chính mình yếu đi”. Đó là thông điệp mà cô ấy muốn gửi đến cả những người trẻ ở những nơi mà các Kitô hữu bị phân biệt đối xử thực sự. Cuối cùng, cảm thấy ngạc nhiên trước thực tế là có nhiều người trẻ tham dự viên tỏ thái độ phê phán đối với công nghệ, nên cô khuyên họ “hãy học cách sử dụng công nghệ như những công cụ để phục vụ hoà bình”.
Về Hồi giáo, đúng là Dalia không nói gì nhiều. Cô phát biểu: “Đối với tôi, không có các giá trị Hồi giáo. Chỉ có các giá trị nhân văn mà Hồi giáo khuyến khích. Dù sao, tôi đến đây không phải để thuyết giảng, mà để cho thấy một người trẻ Hồi giáo điển hình như thế nào, và giữa chúng ta có thể có đối thoại”. Cô nói rằng cô đã được các bạn trẻ khác đón tiếp rất niềm nở, và cô hết sức ấn tượng về chất lượng các cuộc trao đổi và sự chững chạc của các diễn giả. Và rồi cô mơ ước: “Quả vậy, có lẽ nên có một Tiền-Thượng Hội đồng giống như thế cho những người trẻ Hồi giáo!”
(Theo La Croix)
Minh Đức
Nguồn: HĐGMVN