Bảo tàng Vatican trưng bày những chi tiết mới về lịch sử Thế chiến II

Những chi tiết mới về sinh hoạt bên trong Toà thánh Vatican trong thời kỳ Thế chiến II đang được đưa ra ánh sáng, nhờ bộ nhật ký của cựu giám đốc Viện bảo tàng Vatican có tên là Bartolomeo Nogara.

WHĐ (04.05.2018) – Hậu duệ của một cựu giám đốc của Bảo tàng Vatican đã trao lại cho Bảo tàng bộ nhật ký của ông,chứa đựng nhiều chi tiết hậu trường trong giai đoạn từ năm 1920 đến năm 1954.
Những chi tiết mới về sinh hoạt bên trong Toà thánh Vatican trong thời kỳ Thế chiến II đang được đưa ra ánh sáng, nhờ bộ nhật ký của cựu giám đốc Viện bảo tàng Vatican có tên là Bartolomeo Nogara.
Giáo sư Nogara sinh ra cách nay 150 năm tại bờ Hồ Como. Ông được Đức giáo hoàng Bênêđictô XV bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng Vatican vào năm 1920 để giám sát công trình hiện đại hoá Bảo tàng.
Trong suốt 34 năm phục vụ ở cương vị này cho đến khi qua đời vào năm 1954, ông đã viết nhật ký rất tỉ mỉ, tất cả đều được hậu duệ của Nogara trao lại cho chính quyền thành phố Vatican hiện nay hôm thứ Tư 2 tháng Năm vừa qua.
Người Do thái và những người bất đồng chính kiến ​​được cứu khỏi bị lưu đày
Đang khi có thể mất một thời gian để các chuyên gia khảo sát tất cả 41 cuốn nhật ký, được Nogara viết tay rõ ràng và dễ đọc, nhật báo L’Osservatore Romano của Vatican đã đăng tải một vài chi tiết, gồm cả những tiết lộ về những người Do Thái và những người bất đồng chính kiến ​​khác đã được Nogara và các nhân viên tận tụy của Bảo tàng cứu khỏi bị Đức Quốc xã bắt đi lưu đày.
Có một vài câu chuyện nổi tiếng trong số đó, chẳng hạn câu chuyện của bà Hermine Speier, bà bị đuổi việc vào năm 1933 vì là người Do Thái và được cho tá túc ở Bảo tàng Vatican, rồi trở thành nữ nhân viên đầu tiên của Toà Thánh.
Các tác phẩm nghệ thuật thu hồi lại từ tay Đức Quốc xã
Các đoạn khác trong bộ nhật ký kể lại nhiều câu chuyện về các thành viên trong Lực lượng kháng chiến Ý, núp dưới các tên giả trong các căn nhà của nhân viên Bảo tàng, cũng như một số người mà Nogara đã cố gắng nhưng không thành công trong việc cứu thoát họ khỏi các trại tử thần của Đức quốc xã.
Các đoạn này cũng trình bày chi tiết nhiều tác phẩm nghệ thuật vô giá đã được cứu khỏi bị hủy diệt hoặc lấy cắp trong thời Thế chiến II, khi Bảo tàng Vatican hợp tác với một nhóm chuyên gia của Đồng minh để thu hồi các bức tranh, tượng, sách hoặc tài liệu lưu trữ quý giá khác đã bị quân đội của Hitler lấy đi khỏi Thành phố Vĩnh cửu.
Những cuộc trò chuyện với Đức giáo hoàng Piô XI
Cùng với những điều tiết lộ hấp dẫn này về lịch sử, bộ nhật ký còn chứa đựng những chi tiết đời thường hơn về những cuộc trò chuyện với các nhân vật hàng đầu của Vatican, đặc biệt là Đức giáo hoàng Piô XI, người đã đến thăm Bảo tàng trong những ngày mưa khi không thể đi dạo ở ngoài vườn Vatican.
Cuối cùng, những ghi chép của Nogara trình bày một bản tóm tắt tỉ mỉ về công trình hiện đại hóa Bảo tàng Vatican trong thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, dựa trên kinh nghiệm và chuyên môn của các phòng trưng bày châu Âu khác ở London, Paris hoặc Berlin.
Hiện đại hóa Bảo tàng
Dự án đầy tham vọng này bao gồm các tài liệu bằng hình ảnh của tất cả các phòng trưng bày, và giới thiệu các phòng phục hồi các bức tranh cổ, các tấm thảm, và các vật dụng bằng đất nung hoặc kim loại quý.
Qua công việc rất cần mẫn, Nogara đã đặt nền móng vững chắc cho sự thành công của Bảo tàng Vatican trong thế kỷ 21. Tài liệu đằng sau hậu trường chưa từng thấy này trong bộ nhật ký của ông là một kho tàng bất ngờ khác, khiến cho các sử gia và các chuyên gia nghệ thuật còn phải bận rộn trong nhiều năm tới.
(Vatican News)
 
Minh Đức
Nguồn: HĐGMVN