Khi được hỏi về một chuyến viếng thăm Nam Sudan cùng với Đức giáo hoàng, nhà lãnh đạo Anh giáo nói rằng “một chuyến viếng thăm như vậy phải được thực hiện ngay khi nó có thể tạo ra một sự khác biệt lớn” và “nghiêng cán cân về phía hoà bình”. Ngài nói rằng ngài cùng với Đức giáo hoàng kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị “hãy từ bỏ bạo lực và nghĩ đến người dân Nam Sudan”
WHĐ (31.10.2017) – Hôm thứ Sáu 27-10 vừa qua, Đức giáo hoàng Phanxicô đã gặp Tổng giám mục Canterbury, tiến sĩ Justin Welby, cùng với vị tân giám đốc Trung tâm Anh giáo ở Roma, Tổng giám mục Bernard Ntahoturi người Burundi.
Sau cuộc hội kiến kéo dài nửa giờ tại Điện Tông Toà, hai Tổng giám mục Anh giáo và hai phu nhân đã dùng bữa trưa với Đức giáo hoàng tại Nhà khách Santa Marta để tiếp tục cuộc trò chuyện.
Ngày hôm trước, nhà lãnh đạo Anh giáo đã chủ sự giờ Kinh Chiều tại nhà thờ Caravita ở Roma để đặt Tổng giám mục Bernard Ntahoturi làm đại diện chính thức của mình tại Toà Thánh.
Trong bài giảng, Đức Tổng giám mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Vatican, trước đây từng làm Sứ thần Toà Thánh tại Burundi, nhấn mạnh rằng việc dấn thân cho đại kết là một mệnh lệnh đạo đức đối với mọi Kitô hữu.
Trong cuộc trao đổi với Radio Vatican sau đó, Đức Tổng giám mục Welby đã cho biết thêm về cuộc gặp gỡ Đức giáo hoàng và về dự định viếng thăm Nam Sudan cùng với Đức giáo hoàng.
Vị Tổng giám mục Anh giáo nói rằng cuộc gặp gỡ với Đức giáo hoàng là “rất ý nghĩa, và cũng tràn ngập niềm vui, tiếng cười, rất thoải mái và lại súc tích”.
Đặc biệt, hai người đã nói về những mối quan tâm chung đối với các xung đột, nạn buôn bán người và sự cần thiết phải thống nhất Giáo hội trong một thế giới bị rạn nứt.
Tiến bộ trong đối thoại Anh giáo và Công giáo
Đức Tổng giám mục Welby nói rằng, giống như những người tiền nhiệm trong các chuyến viếng thăm Roma trước đây, ngài cũng đeo chiếc nhẫn giám mục mà Đức giáo hoàng Phaolô VI đã tặng cho Đức Tổng giám mục Michael Ramsey năm 1966. Ngài nói rằng từ đó đến nay đã có những tiến bộ to lớn hướng đến hiệp nhất, và cả ARCIC lẫn IARCCUM đã “tiếp tục các cuộc đối thoại thần học
và truyền giáo rất hiệu quả”.
Bên cạnh đó, còn có đại kết trong hành động vàtrong cầu nguyện, là điều phát triển từ công trình thần học, nhưng cũng thúc đẩy đại kết tiến về phía trước.
Sự chia rẽ về bí tích Thánh Thể
Nói về sự thiếu hiệp nhất trong bí tích Thánh Thể, Đức Tổng giám mục Welby nói rằng ngài vẫn nhớ đến điều đó mỗi ngày tại Điện Lambeth, khi cử hành cùng với các thành viên Công giáo và không Công giáo của cộng đồng giới trẻ Thánh Anselmô.
Điều đó quả là đau đớn, nhưng trong một ý nghĩa khác, lại là “một nỗi đau cần thiết buộc chúng ta nỗ lực hơn nữa để hiệp nhất”.
Kêu gọi các nhà lãnh đạo Nam Sudan
Khi được hỏi về một chuyến viếng thăm Nam Sudan cùng với Đức giáo hoàng, nhà lãnh đạo Anh giáo nói rằng “một chuyến viếng thăm như vậy phải được thực hiện ngay khi nó có thể tạo ra một sự khác biệt lớn” và “nghiêng cán cân về phía hoà bình”.
Ngài nói rằng ngài cùng với Đức giáo hoàng kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị “hãy từ bỏ bạo lực và nghĩ đến người dân Nam Sudan”.
Ngài nhắc lại chuyến viếng thăm gần đây đến các trại tị nạn ở phía Bắc Uganda có 260.000 người, một phần nhỏ trong số này đã chạy trốn bạo lực.
Chúng tôi “trông chờ và cầu nguyện” cho các nhà lãnh đạo chính trị hoán cải tâm hồn.
Đừng để cho những bất đồng làm cho mình bị tê liệt
Khi được hỏi về sự chia rẽ trong Giáo hội Anh giáo, đặc biệt là về vấn đề đồng tính luyến ái, Đức Tổng giám mục Welby nói rằng “Đừng để cho mình bị tê liệt vì những mối bất đồng”, mà tất cả các Giáo hội đang phải đối mặt.
Trong một cộng đồng đa dạng như thế giới Anh giáo, ngài nói thêm, chắc chắn có những bất đồng “nhưng chúng ta phải nhìn thấy lời Chúa Kitô kêu gọi hiệp nhất trong việc phục vụ người nghèo ... và đừng để bất cứ điều gì khiến chúng ta sao nhãng sứ vụ loan báo Tin Mừng”.
(Vatican Radio)
Minh Đức
Nguồn: HĐGMVN