Vào đầu tháng Chín 2017, Giáo hội Hàn Quốc đã khai trương một triển lãm tại Vatican để giới thiệu lịch sử 230 năm của Giáo hội Công giáo trên bán đảo Triều Tiên, nêu bật đức tin của các vị tử đạo Hàn Quốc và quảng bá thông điệp hoà bình.
WHĐ (22.09.2017) – Vào đầu tháng Chín 2017, Giáo hội Hàn Quốc đã khai trương một triển lãm tại Vatican để giới thiệu lịch sử 230 năm của Giáo hội Công giáo trên bán đảo Triều Tiên, nêu bật đức tin của các vị tử đạo Hàn Quốc và quảng bá thông điệp hoà bình.
Cha Matthias Hur Young-yup, người phát ngôn của Tổng giáo phận Seoul, nói với CNA rằng Giáo hội Hàn Quốcmuốn dùng cuộc triển lãm này để thúc đẩy hoà bình và giới thiệu với mọi người nền văn hoá Hàn Quốc.
Cha Hur nói: “Như các bạn đã biết, ở bán đảo Triều Tiên đang diễn ra cuộc khủng hoảng hạt nhân, và qua triển lãm này, chúng tôi muốn phổ biến một thông điệp hoà bình, đặc biệt cho những người anh chị em chúng tôi ở miền Bắc”.
Triển lãm mở cửa từ ngày 8 tháng Chín tại Bảo tàng Braccio di Carlo Magno ở Vatican mang tên “Dưới đất cũng như trên trời”, là hợp tác đầu tiên giữa Bảo tàng Vatican và Tổng giáo phận Seoul. Triển lãm được Chính quyền thành phố Seoul và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Toà Thánh tài trợ.
Tổng giáo phận Seoul hy vọng triển lãm sẽ “giới thiệu cho thế giới lịch sử và văn hoá độc đáo của Giáo hội Công giáo Hàn Quốc và tiến thêm một bước trên con đường thực thi sứ mệnh loan báo Phúc âm tại châu Á”.
Theo bà Barbara Jatta, giám đốc Viện Bảo tàng Vatican, triển lãm này chỉ là “một phần trong nhiều dự án khác” mà Hàn Quốc và Toà Thánh đang hợp tác. Năm 2012, Bảo tàng Vatican đã đưa các tác phẩm thời Phục hưng của các hoạ sĩ như Michelangelo và Raphael đến triển lãm tại Seoul.
Bà nói, hai bên cũng đang hợp tác trong nhiều dự án khôi phục trong lĩnh vực bảo tàng dân tộc học. Nhưng “đây là lần đầu tiên người Hàn Quốc giới thiệu lịch sử của họ, ngay tại trung tâm Thành quốc Vatican”.
Bà hy vọng triển lãm sẽ “cho thấy công cuộc loan báo Tin Mừng đã mang lại hoà bình ra sao, và ngay cả những đàn áp cũng không ngăn được Tin Mừng”.
Ban đầu đức tin Công giáo đến với Hàn Quốc nhờ các sách Công giáo được đem về từ Bắc Kinh. Một nhóm học giả học hỏi các sách này, nhờ đó đã đến với đức tin Công giáo. Một học giả đã được rửa tội tại Bắc Kinh năm 1784, sau đó trở về Hàn Quốc và rửa tội cho những người khác. Những người này đã tạo thành cộng đoàn Công giáo đầu tiên ở trong nước.
Cha Hur giải thích: “Khi số tín hữu gia tăng, họ thấy rằng nếu chỉ truyền bá đức tin nơi những người giáo dân thì không phải là phương thế thật tốt. Nên họ quyết định mời một linh mục thừa sai đến Hàn Quốc để công cuộc Phúc âm hoá đất nước này sẽ chính thức hơn”.
Cha nói rằng điều rất có ý nghĩa đối với các tín hữu của Giáo hội tại Hàn Quốc là Công giáo ở nước họ đã bắt đầu từ giáo dân.
Khi chưa có linh mục, đức tin vẫn tiếp tục phát triển nơi những người giáo dân, đến cuối năm 1794, mới có một linh mục thừa sai từ Bắc Kinh đến với họ.
Nhưng ngay cả trước thời điểm đó, cuộc đàn áp các Kitô hữu ở Hàn Quốc đã bắt đầu rồi. Từ đầu lịch sử của mình, Giáo hội tại Hàn Quốc đã ghi dấu bằng cuộc khổ nạn, gồm cả một thế kỷ bách hại tôn giáo dẫn đến cuộc tử đạo của ít nhất 8.000 người Công giáo.
Cha Hur nói: “Với lịch sử 230 năm ở Hàn Quốc, chúng tôi đặc biệt tin rằng chúng tôi đã trải qua những cuộc đàn áp và chúng tôi đã không chết ... nhưng lại phát triển. Nhất là các vị tử đạo đã trở thành một tấm gương sáng cho tất cả các tín hữu... đó là hoa trái tốt đẹp nhất ở Hàn Quốc”.
Triển lãm này “là một cơ hội rất tốt cho chúng tôi giới thiệu không chỉ lịch sử của Giáo hội Công giáo Hàn Quốc, mà cả nền văn hoá và những nét độc đáo của đất nước Hàn Quốc. Tôi tin rằng đây là một lời giới thiệu rất hay cho thế giới về văn hoá Hàn Quốc của chúng tôi”.
Triển lãm phác hoạ, theo dòng thời gian, lịch sử Công giáo ở Hàn Quốc từ khi bắt đầu cho đến nay, bao gồm sách và vật phẩm tôn giáo, cũng như nghệ thuật tôn giáo của Hàn Quốc.
Có rất nhiều tác phẩm đẹp về Đức Mẹ và Hài nhi Giêsu, cũng như chân dung của những vị tử đạo trong suốt lịch sử của Hàn Quốc.
Mặc dù bị đàn áp, số người Công giáo tại Hàn Quốc vẫn tiếp tục gia tăng; vào những năm 1950 chỉ có 500.000 người Công giáo (khoảng 2% dân số). Đến năm 2016, đã có gần 6 triệu người Công giáo (chiếm 10% dân số).
Vào những năm 1950, Hàn Quốc chỉ có 290 linh mục, ngày nay có khoảng 5.100 linh mục.
Đức giáo hoàng Phanxicô đã viếng thăm Hàn Quốc vào tháng Tám 2014; đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài đến một quốc gia Châu Á. Nhân dịp này, ngài đã tôn phong chân phước cho 230 vị tử đạo trong một Thánh lễ ở Gwanghwamun, với khoảng 1 triệu người tham dự.
Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng đầu tiên viếng thăm Hàn Quốc khi ngài đến Seoul vào tháng 5 năm 1984, nhân dịp mừng kỷ niệm 200 năm dân tộc Triều Tiên lãnh nhận hồng ân Đức Tin. Trong chuyến viếng thăm này, ngài đã chủ sự lễ tuyên thánh 103 vị tử đạo Hàn Quốc; đây là lễ tuyên thánh đầu tiên được tổ chức ở ngoài Vatican.
Năm 1989 ngài lại viếng thăm Hàn Quốc một lần nữa để tham dự Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 44 tại Seoul. Và năm 2001, trong chuyến viếng thăm ad limina của các giám mục Hàn Quốc đến Vatican, ngài nói rằng “sự hoà giải và liên đới giữa hai miền Triều Tiên và Phúc âm hóa châu Á là nhiệm vụ của Giáo hội Hàn Quốc”.
Cha Hur nói qua cuộc triển lãm này người Hàn Quốc muốn cho mọi người biết rằng không ai trên bán đảo Triều Tiên muốn xảy ra chiến tranh, nhưng hoà bình mới thực sự là điều họ muốn có.
“Đó là thông điệp mà chúng tôi muốn chia sẻ với tất cả mọi người qua cuộc triển lãm này, và chúng tôi mong rằng mọi người sẽ cầu nguyện cho chúng tôi và cho hoà bình trên bán đảo Triều Tiên”.
(CNA/EWTN News)
Minh Đức
Nguồn: HĐGMVN