MỘT LINH-MỤC MÚA TRÊN BÀN THỜ

Linh-mục Shaw Carey có một thể-chất không hòan-hảo nhưng được gọi để phục-vụ những con chiên không hòan-hảo trong đòan chiên của Chúa. Khi nói rằng người ta chỉ có thể cho đi cái mình có thường hàm nghĩa một sự đầy-đủ hòan-hảo của người cho. Ở đây, người cho không hòan-hảo hơn người nhận mà giống họ, cùng thiếu-thốn, cùng thiểu năng, cùng sống bên lề xã-hội trong nhiều trường-hợp.

Linh mục Shawn Carey phục vụ cho những người công giáo bị câm điếc.
Ngôn-sứ Isaia loan-báo viễn-ảnh về Đấng Cứu Thế như sau:
“Khi Chúa đến mắt người mù sẽ thấy và tai người điếc sẽ nghe. Bấy giờ người què sẽ nhảy như nai, và những người được Chúa giải-thóat sẽ trở về Sion với lời ngợi-khen. Đội trên đầu niềm hoan-hỉ triền-miên, họ vui-mừng sung-sướng. Đau buồn và than-khóc sẽ biến tan.” Is 35:10
Hơn 60 năm đi nhà thờ tôi chưa bao giờ nhìn thấy một vị linh-mục câm điếc cho tới mới đây. Ngày chúa nhật vợ chồng tôi tham-dự sinh-họat với cộng-đòan nhà thờ của mình, nhưng ngày trong tuần dù có thánh lễ mỗi ngày, chúng tôi chọn đi dự thánh lễ ở Trung-tâm Mục-vụ Tổng Giáo Phận (TGP) Boston không xa nhà lắm. Ở đây thường có những cuộc hội-họp hoặc huấn-luyện mục-vụ của TGP nên thánh lễ thường có những linh-mục hoặc giám-mục khách chủ-tế. Có thể vì lí-do đó, tất cả các bài giảng hoặc chia-sẻ Lời Chúa đều được sửa-sọan một cách đặc-biệt, và như thế, bàn tiệc Lời Chúa trở nên sang-trọng và khá đặc-sắc mỗi ngày. Ngay cả phong-cách sinh-họat cũng có những đặc-biệt, thí-dụ một ngày kia, một giám-mục đồng-tế với một linh-mục nhưng lại đóng vai phụ-tế đứng bên cạnh chứ không phải chủ-tế - một điều tôi cũng chưa hề thấy. Thật tuyệt-vời!
Nhưng điều tôi kinh-ngạc hơn là thấy một linh-mục khỏang 40 tuổi câm điếc đến làm lễ. Ngài tên là Shawn Carey. Hôm ấy ở hàng ghế đầu có khỏang hơn chục người, già nhiều hơn trẻ, cũng câm-điếc. Một cô thư-ký của TGP làm thông-dịch viên cho cộng-đòan - những người không câm-điếc. Khi vị linh-mục ra dấu tay đọc các lời kinh thì cô thông-dịch chuyển ra thành lời. Lúc đó, những giáo-dân câm-điếc ngồi ở hàng ghế đầu đáp lại bằng dấu tay trong khi cộng-đòan chúng tôi thưa lại bằng lời như bình-thường. Tất-cả mọi lời cầu-nguyện và kinh-nguyện Thánh-Thể là phần riêng của chủ-tế thì được vị linh-mục thể-hiện bằng dấu tay, và cô thông-dịch đọc thay ngài. Trong các phần thánh-vịnh đáp-ca, Lời Nguyện Giáo Dân và các bài đọc… cô thông-dịch lại chuyển ngược từ lời sang dấu tay.
Mỗi Chúa Nhật, Thầy Sáu Thomas Burke ở nhà thờ cộng-đòan chúng tôi giảng bao giờ cũng kết-thúc bằng một câu bằng ngôn-ngữ dấu tay. Không những con nít mà người lớn đều thích-thú học theo. Dù đã quen-thuộc với không-khí ấy, khi nhìn Cha Shawn trên bàn thờ và những người câm điếc ở hàng ghế đầu ra dấu tay xướng đáp các lời kinh nhanh và đều, tôi thấy đẹp như một điệu múa. Điệu múa trang-trọng nhất là những Lời Truyền Phép “Đây là mình ta sẽ bị nộp… Đây là chén máu ta, máu giao-ước mới đã đổ ra…” với vẻ mặt trang-trọng của vị linh-mục. Điệu múa dài nhất là Kinh “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” khi họ cùng ngửa mặt, giơ tay và múa đều với tâm-tình tha-thiết. Điệu hân-hoan nhất là câu xướng Alleluia với những cánh tay và bàn tay quơ tròn như reo vui.
Hơn 50 năm trước, khi thi vào chủng-viện, tôi nghe nói rằng, các linh-mục là những người được chọn. Được chọn theo nghĩa thiêng-liêng nhưng cũng được hiểu theo nghĩa trần-thế. Các chủng-sinh được chọn là những học-sinh ưu-tú, chăm ngoan và không có những khiếm-khuyết khác-thường về thể-chất. Chả thế mà mà người ta thường nói các chú chủng-sinh đẹp trai. Thời-gian trôi, cuộc sống thăng trầm, tôi dần dần cảm nhận hơn được bề rộng và chiều sâu của tiếng Chúa gọi. Hôm nay tiếng gọi làm người mục-tử phục-vụ ấy hiện rõ nét nơi vị linh-mục câm điếc đang dâng lễ trên bàn thờ.
Linh-mục Shaw Carey có một thể-chất không hòan-hảo nhưng được gọi để phục-vụ những con chiên không hòan-hảo trong đòan chiên của Chúa. Khi nói rằng người ta chỉ có thể cho đi cái mình có thường hàm nghĩa một sự đầy-đủ hòan-hảo của người cho. Ở đây, người cho không hòan-hảo hơn người nhận mà giống họ, cùng thiếu-thốn, cùng thiểu năng, cùng sống bên lề xã-hội trong nhiều trường-hợp. Nhưng cái cao-quí nhất người cho mang đi để phục-vụ là sự cảm-thông sâu-xa, là những trầy-trật, thương-tích, mồ-hôi và nước mắt của chính mình.
Chúng tôi đang ở trong những tuần Mùa Vọng chuẩn-bị mừng Chúa Giáng Sinh. Hôm nay trong bài Phúc Âm Chúa nói với những người kỳ-lão và luật-sĩ Do Thái rằng: “Tôi bảo thật các ông, những người thu-thuế tội-lỗi và gái điếm sẽ vào nước trời trước các ông vì Gioan đã đến rao-giảng trong đường công-chính mà các ông không nghe…”(Mt 21:31-32) Trong bài giảng, vị linh-mục câm điếc dùng ngôn-ngữ dấu tay và cô thông-dịch chuyển thành lời. Cảm ơn cô đã dịch một cách tuyệt-diệu. Ngài nói, có những phương-diện, để hiểu được giáo-hội là gì thì người ta phải trả lời cho câu hỏi giáo-hội là ai. Giáo-hội có những vị thánh và những người tội-lỗi. Giáo-hội là tất cả chúng ta, những con người bất-tòan, phần lớn tầm-thường và nhiều khuyết-điểm hơn ưu-điểm. Nhưng dù thánh-thiện hay tội-lỗi, người thuộc về giáo-hội là người mang niềm tin vào Chúa Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, trở nên con người để cứu-rỗi con người. Kẻ thu-thuế và gái điếm được vào nước trời vì họ tin và nghe lời Chúa…
Vâng, Chúa xuống thế làm người, kì-diệu thay tình yêu của Thiên Chúa với con người. Chúa không từ trên ngó xuống, mà Ngài đến để trở-thành con người, để cùng chịu nghèo, đói, khát, âu-lo, bị phản-bội, bị xỉ-nhục, cùng mang thương-tích, cùng đổ mồ-hôi, nước mắt, máu và mạng sống. Ôi, Đấng Tạo-hóa tòan-năng trở thành con người, Đấng Emmanuel - ở cùng chúng ta!
Tôi thấy lấp-lánh hình-ảnh của Chúa Kitô nơi vị linh-mục câm điếc, đấng đã biến dạng thành con người bị khinh rẻ, khó ưa, bị đẩy ra rìa xã-hội và cuối cùng là bị chết treo như một tội-phạm thay vì cái chết êm-ái trên giường giữa vòng người thân thương-tiếc.
Tôi thấy ý-nghĩa Chúa Giáng Sinh lóe sáng trong tôi khi nhìn Cha Shawn. Ơn gọi của vị linh-mục và của những người câm-điếc có những chiều-kích riêng mà Thiên Chúa tín-thác mời gọi họ. Từ những con người mang dấu bất-tòan, họ trở-thành chứng-nhân của tình-yêu Chúa. Ngôn-ngữ dấu tay trở thành điệu múa ca-tụng bởi vì họ sống như mang mảnh vụn đời sống làm người của Con Thiên Chúa xuống trần, và mảnh vụn của tình-yêu Thiên Chúa đến với đồng-lọai. Bàn tay họ là những cánh hoa nở ra từ những thân cây tưởng như sâu-xi bất-tòan. Bởi vì khi Chúa đến là lúc “người mù được thấy, kẻ què được đi, người phong hủi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại và kẻ nghèo được rao-giảng tin mừng.” (Lc 7:23)
Nguyễn Văn Thông
Nguồn: gpbanmethuot.vn