Tại Rôma, từ ngày 3 tới ngày 6 tháng Mười, Trung Tâm Bảo Vệ Trẻ Em của Đại Học Gregoriana đã tổ chức một hội nghị với chủ đề “Phẩm Giá Trẻ Em Trong Thế Giới Kỹ Thuật Số”. Mục tiêu là làm nổi bật các nguy hiểm của liên mạng (internet) và cổ vũ các hành động nhằm bảo vệ trẻ em và giới trẻ.
Tại Rôma, từ ngày 3 tới ngày 6 tháng Mười, Trung Tâm Bảo Vệ Trẻ Em của Đại Học Gregoriana đã tổ chức một hội nghị với chủ đề “Phẩm Giá Trẻ Em Trong Thế Giới Kỹ Thuật Số”. Mục tiêu là làm nổi bật các nguy hiểm của liên mạng (internet) và cổ vũ các hành động nhằm bảo vệ trẻ em và giới trẻ.
Một hợp tác rộng rãi
Tài liệu của Hội Nghị cho hay trẻ em và thiếu niên chiếm quá 1 phần 4 số hơn 3 tỷ 2 người sử dụng liên mạng khắp thế giới. Thế hệ gồm tới 800 triệu người sử dụng trẻ tuổi này đang có nguy cơ trở thành nạn nhân của tống dục (sextortion), khích dục (sexting), bắt nạt bằng liên mạng (cyberbullying) và xách nhiễu.
Đại diện các chính phủ, các doanh nghiệp có liên hệ tới thế giới liên mạng, chính sách, các cơ quan phi chính phủ, các tổ chức quốc tế như UNICEF, các phương tiện truyền thông, và các tôn giáo đã tham dự một buổi trình bầy trước vào ngày 29 tháng 9.
Trong một cuộc phỏng vấn của SIR, một hãng thông tấn Công Giáo Ý, Cha Hans Zollner, Dòng Tên, Chủ Tịch Trung Tâm, nhấn mạnh rằng “việc lạm dụng tình dục các vị thành niên có mặt tại mọi xã hội, văn hóa và quốc gia trên thế giới. Nó là một sự ác phổ biến hơn người ta tưởng rất nhiều”.
Cha cho hay: “mấy năm trước đây, Liên Hiệp Âu Châu có phát động một sáng kiến gọi là ‘Một Trong Năm’. Nghĩa là một trong năm bé trai hay năm bé gái, tức 20 phần trăm mọi trẻ em của Âu Châu, bị lạm dụng tình dục. Đây là một con số gây kinh hoàng. Trong bối cảnh này, liên mạng, vốn là một phương tiện truyền thông kỳ diệu, có thể trở thành nguy hiểm” nhất là trong hai tệ nạn “khích dục” và “gạ dục” (grooming).
Ngài nói thêm: “đây là một đề tài gây bối rối, đau lòng và khó nói, và thường người ta không có ý chí làm việc này, không những chỉ ở trong Giáo Hội mà còn ở cả ngoài xã hội nữa, vì không ai chịu lưu ý tới các con số gây kinh ngạc. Có phải đây là một hiện tượng quá khủng khiếp đến nỗi không dám nói về nó? Chắc chắn rồi, nhưng chính vì thế mà ta phải nói về chúng”.
Qua hội nghị này, Giáo Hội “nhận lãnh trách nhiệm” và làm việc với Các Lực Lượng (duy trì) Trật Tự. “Ta không phải là một thực tại đứng riêng và ta không những phải nhìn nhận luật pháp, mà còn phải hợp tác với Nhà Nước. Dĩ nhiên, khi một người phạm tội lạm dụng một vị thành niên, trong đó có việc sử dụng văn hóa khiêu dâm trẻ em, họ đã thực hiện một hành vi trầm trọng. Tuy nhiên, nếu họ còn là một linh mục hay một tu sĩ nữa thì tội ác còn trầm trọng hơn nhiều”.
Thành thử, theo cha Zollner, phải giáo dục để chống lại các hiện tượng này. Cha nói: “điều chủ yếu hơn nhiều là giáo dục người trẻ biết sử dụng liên mạng một cách có trách nhiệm”.
Theo đài Vatican, hội nghị trên có tính khai phá, kể như lần đầu diễn ra trên thế giới. Hội Nghị dự kiến có sự tham gia của các nhà chuyên môn thuộc cả hai lãnh vực khoa học và kỹ thuật từ khắp thế giới. Dự kiến sẽ có hơn 140 chuyên gia được quốc tế công nhận, thuộc giới học thuật, doanh nghiệp, và xã hội dân sự.
Trung Tâm Bảo Vệ Trẻ Em trước đây ở Munich, Đức nhưng từ năm 2015, được chuyển về Đại Học Gregorian ở Rôma. Trung Tâm tổ chức biến cố này với sự cộng tác của WePROTECT Global Alliance.
WePROTECH là một liên minh hoàn cầu do chính phủ Anh cầm đầu và được sự tham gia của hơn 70 quốc gia, 20 công ty kỹ thuật và nhiều tổ chức phi chính phủ để ngăn cản tội ác lạm dụng và khai thác tình dục trẻ em trên liên mạng.
Nữ Bá Tước Joanna Shields của Anh, sáng lập viên tổ chức này, nói rằng “ta phải nhìn vào các thách thức đang xuất hiện, bóng tối đang xuất hiện, đang ở ngoài kia. Kỹ thuật không có biên giới, và sự ác cũng có cùng đường ra vào như sự thiện. Thế hệ đang lớn lên trước màn hình cần được bảo vệ”.
Các chuyên gia lên tiếng tại Đại Hội gồm một nhà dịch tễ học (epidemiologist) của Havard, viên chức số hai của Interpol, nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về lạm dụng trẻ em, và giám đốc an toàn công cộng của Facebook.
Các nhấn mạnh
Ký giả John Allen cho hay một trong các nhấn mạnh của Hội Nghị sẽ là “các trang mạng đen” (dark web) tức các khu vực trên liên mạng mà Google cũng như các bộ máy tìm tòi hợp qui ước không vào được; khu vực này được thiết kế nhằm bảo đảm tính vô danh của người sử dụng. Đây là khu vực của văn hóa khiêu dâm trẻ em vì loại văn hóa này chiếm tới 80 phần trăm của khu vực.
Thứ trang mạng đen này “không thể được xử lý bởi một định chế, một quốc gia hay một cơ quan”.
Nữ Bá Tước Shields tin rằng, dù thế, kinh nghiệm cho hay tiến bộ vẫn có thể có. Bà nhắc đến sự kiện các nhà chuyên môn chống văn hóa khiêu dâm trẻ em từng gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Google để tìm cách loại trừ các tư liệu loại đó, không để chúng tới tay người sử dụng, kết quả “với trang mạng mở, chúng ta không gặp vấn đề như 4 hay 5 năm trước nữa”.
Nữ Bá Tước Shields cũng đề cập tới sự kiện làm việc với các viên chức Microsoft trong việc sử dụng kỹ thuật “photo DNA” để loại bỏ các hình ảnh khiêu dâm và lạm dụng vị thành niên ra khỏi liên mạng.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây của Crux, Cha Zollner cho biết: trọng điểm của hội nghị không phải là nghe các bài diễn thuyết, cho bằng các nhà chuyên môn thuộc nhiều bộ môn khác nhau thảo luận với nhau về việc phải làm gì. Cha nói: “nét độc đáo là dù chúng ta sẽ lắng nghe những người có hiểu biết nhất trên thế giới lên tiếng, nhưng chúng ta cũng muốn họ có thể nói với nhau và đạt được một điều gì, không phải chỉ là một bản tuyên bố ý định sẽ làm tốt hơn, mà còn là các biện pháp và đề xuất cụ thể để các chính phủ, các công ty liên mạng, tất cả những ai có trách nhiệm đối với nội dung của liên mạng và những gì có thể xẩy ra cho người trẻ và các người lớn dễ bị thương tổn”.
Các trường hợp điển hình
Cha Zollner trình bầy với Hội Nghị một số trường hợp điển hình cho thấy các nguy hại của việc lạm dụng liên mạng đối với tuổi trẻ.
* Một thiếu nữ 17 tuổi được bạn trai thuyết phục để anh ta quay phim cảnh hai đứa làm tình; sau đó, sau khi cô quyết định kết thúc mối liên hệ, anh ta trả thù bằng cách đăng cuốn video lên liên mạng; xấu hổ khi bị gia đình và bạn bè biết chuyện, cô đã quyên sinh.
* Một thiếu nữ 14 tuổi được thuyết phục gửi hình khỏa thân của cô cho người bạn trai cô vốn mê mệt, chỉ để thấy cả lớp được xem hình này.
*Hài nhi ở Phi Luật Tân bị hiếp dâm vì những kẻ ấu dâm ở Anh hay ở Đan Mạch đã đặt hàng và trả tiền cho việc này trên liên mạng đen đang nhan nhản và liên hệ đến đủ mọi loại người.
*Bé trai 10 tuổi gặp văn hóa cực kỳ khiêu dâm trên liên mạng, nội dung khiến em khiếp đảm, không hiểu, và việc này ảnh hưởng mãi mãi tới cách em nhìn đời, nhìn tình yêu và những con người khác.
*Một bé gái 7 tuổi bị lạm dụng tình dục và bị chụp hình sẽ lớn lên ra sao khi biết những bức hình kia sẽ mãi mãi ở trên liên mạng.
Nữ Bá Tước Shields cho rằng các điển hình trên có thực, không hề cực đoan. Bà kể thêm một số điển hình khác: một thiếu nữ bị ám ảnh bởi những lời bắt nạt không ngừng trên liên mạng nhắm vào cô đến nỗi đã quyên sinh; em bé mới ở lớp mẫu giáo bị bắt cóc và sát hại bởi 1 tên ấu dâm trước đó mấy giờ xem các hình ảnh lạm dụng tính dục trẻ em đầy rẫy trên liên mạng; một thiếu niên sa vào trang mạng của Nhà Nước Duy Hồi Giáo, đã qua Syria và bị giết ở đấy…
Bà cho rằng trong khi hoa mắt trước những điều kỳ diệu liên mạng thực hiện, dường như ta chưa bao giờ ngờ vực việc nó tháo bỏ rất nhiều điều. Một trong những điều ấy là nó biến đổi hoàn toàn cả một tuổi thơ chỉ trong vòng 1 thế hệ.
Các phương tiện truyền thông bây giờ khác hẳn
Đến nỗi Nữ Bá Tước tự hỏi không biết sau này khi lịch sử viết về “thời đại kỹ thuật số” hiện nay, liệu nó sẽ ca ngợi các lợi ích vô tận của kỹ thuật hay nó sẽ làm lễ truy điệu cho cả một tuổi thơ đã mất?
Tuy nhiên, như trên đã nói, bà tin tưởng ta còn “cơ hội để lên khuôn tương lai” nhưng ta phải hành động ngay bây giờ.
Nói thế rồi bà nhận định rằng nhiều người nói: các phương tiện truyền thông bây giờ cũng như các phương tiện truyền thông ngày trước, mỗi phương tiện mới đem vào một đợt tác phong mới, có chi đáng lo ngại. Cha mẹ chúng ta từng “thất vọng” vì ta dành quá nhiều thì giờ coi TV, mà chúng ta có sao đâu?
Con cái ta có khác: các phương tiện truyền thông chúng sử dụng không phải chỉ là những phương tiện mới như TV. Chúng luôn hàm chứa đủ thứ phương tiện khác. Các phương tiện này kết hợp với nhau tạo khuôn cho kinh nghiệm sống của chúng. Khiến chúng ngủ ít hơn, ra ngoài ít hơn, hẹn hò cũng ít hơn và trì hoãn nhiều tác phong vốn đánh dấu việc quá độ qua tuổi trưởng thành.
Các phương tiện truyền thông xã hội đem lại cho chúng ảo tưởng được nối kết với “bạn bè” bằng các đầu ngón tay. Nhưng thực ra, sự nối kết đích thực mà chúng khao khát, thứ nối kết vang dội sâu xa đủ để nuôi dưỡng và nâng đỡ chúng, thì chúng không hề nắm được trong cái thứ không gian ảo này. Tuy nhiên, chúng vẫn ráng. Ráng riết trở thành ghiền, cứ thế vào ra thường xuyên trong cõi ảo, bất cứ lúc rảnh rỗi nào, nhưng đạt được rất ít thỏa mãn.
Sự thay đổi trong cách giới trẻ dùng thì giờ không trung tính, nó có tính tiêu cực. Thực vậy, các nghiên cứu gần đây cho thấy 2 giờ ngồi trước màn hình làm gia tăng nguy cơ tự tử và trầm cảm.
Các phương tiện truyền thông bây giờ là “one size fits all” (một cỡ dùng cho mọi người) nên ai cũng vào được: người tốt cũng như người xấu. Người xấu làm sao ngồi yên khi số người sử dụng lên đến gần 1 nửa tổng số con người trên mặt địa cầu. Không phải chỉ có những người rao bán văn hóa khiêu dâm, còn cả những người rao bán đủ thứ ý thức hệ, những người rao bán “các quan điểm cực đoan” (fringe views).
Các đề nghị
Nữ Bá Tước Shields cho rằng nên cập nhật hóa các quyền trẻ em đã được Qui Ước Liên Hiệp Quốc về Quyền Trẻ Em đưa ra năm 1990 và bà đề ra Khuôn Khổ Ngũ Quyền: Quyền Di Chuyển, Quyền Biết, Quyền An Toàn và Nâng Đỡ, Quyền Chọn Lựa Có Hiểu Biết và Theo Lương Tâm và Quyền Thông Thạo Kỹ Thuật Số.
Trong khuôn khổ đề xuất, Nữ Bá Tước cho rằng các bộ máy liên mạng biết nhiều về chúng ta hơn chính chúng ta. Bà nghĩ rằng khi một người trẻ bị trầm cản hay có ý định tự tử, thì cơ may là các mạng lưới xã hội hay các “apps” truyền thông được các người trẻ này sử dụng có “dụng cụ” để nhận ra điều này.
Theo bà, sử dụng việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên và sự học tập của máy (machine learning) để khám phá các khuôn mẫu nói và sử dụng có thể cho thấy các dấu hiệu của tình trạng tâm trí hay ý định của đứa trẻ đang cần được giúp đỡ. Facebook, Instagram và Google từng công khai tuyên bố rằng họ có khả năng nhận ra khuynh hướng trầm cảm và toan tự tử và nhiều tình huống có tiềm năng nguy hiểm khác.
Nếu đúng như thế thì bà kêu gọi sự hợp động trong khía cạnh này: “thời đại ngoại thường kêu gọi các biện pháp ngoại thường và trong trường hợp này, chúng ta cần một thời đại hợp tác và cùng chung trách nhiệm mới biết đặt nhu cầu của trẻ em lên trên hết”.
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, trong bài diễn văn khai mạc Hội Nghị, tỏ ý lo ngại đối với hiện tượng các kỹ thuật và dụng cụ truyền thông mới đã “lan tràn mọi vùng trên thế giới, tới cả các khu vực mà việc phát triển kinh tế và xã hội chưa thỏa đáng và đồng đều”. Do đó, “hàng trăm triệu trẻ em và người trẻ đang lớn lên trong thế giới kỹ thuật số giữa một bối cảnh phần lớn chưa phát triển”. Cha mẹ và các thầy cô chưa được trang bị về văn hóa để đồng hành với họ và giúp họ lớn lên trong thế giới này. Thậm chí các nhà lãnh đạo chính trị của họ cũng không biết phải bắt đầu làm gì để bảo vệ họ.
Bởi thế, ngài kêu gọi các công ty chuyên cổ vũ và thực thi việc phát triển thế giới kỹ thuật số nên lưu ý tới số phận các trẻ em và người trẻ nói trên. Dĩ nhiên cần có sự hợp tác quốc tế, hoàn cầu và liên khoa trong phạm vi này.
Nhân dịp này, Đức Hồng Y Parolin đã nhắc đến nguyên tắc thứ hai của Tuyên Bố Phổ Quát về Quyền Trẻ Em: mọi trẻ em phải có phương thế “để phát triển về thể lý, trí khôn, luân lý, tâm linh và xã hội một cách lành mạnh và bình thường và trong các điều kiện tự do và phẩm giá”.
Phẩm giá này, theo Đức Hồng Y, phát xuất từ việc các em được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và sự kiện Con Thiên Chúa đến với chúng ta như một trẻ em dễ bị thương tổn. Nói theo Đức Phanxicô, phạm đến các em là phạm thánh, là trần tục hóa một điều thánh thiêng, trần tục hóa thánh nhan Thiên Chúa trong mỗi hữu thể nhân bản.
Vũ Văn An
Nguồn: Vietcatholic