Đóng góp của Kitô giáo cho tương lai của châu Âu

Hội nghị là cuộc đối thoại cấp cao giữa Giáo hội và các nhà hoạt động chính trị do Uỷ ban các Hội đồng Giám mục trong Liên minh châu Âu (COMECE) tổ chức tại Roma từ 27 đến 29 tháng Mười 2017.

WHĐ (30.10.2017) – “Điểm đầu tiên và có lẽ là đóng góp lớn nhất mà người Kitô hữu có thể cống hiến cho châu Âu ngày nay là nhắc cho châu Âu nhớ rằng châu Âu không phải là một tập hợp các con số hay các tổ chức, nhưng được làm nên từ những con người”, đó là khẳng định của Đức giáo hoàng Phanxicô trong bài diễn văn quan trọng tại Hội nghị “Xem xét lại châu Âu. Đóng góp của Kitô giáo cho tương lai của dự phóng về châu Âu”.
Hội nghị là cuộc đối thoại cấp cao giữa Giáo hội và các nhà hoạt động chính trị do Uỷ ban các Hội đồng Giám mục trong Liên minh châu Âu (COMECE) tổ chức tại Roma từ 27 đến 29 tháng Mười 2017.
Theo thông cáo báo chí, tham dự Hội nghị này có khoảng 350 người, gồm 28 phái đoàn của tất cả các nước trong Liên minh châu Âu (EU), trong đó có các chính trị gia cấp cao của EU, các hồng y, các giám mục, linh mục, đại sứ, các học giả, đại diện của các tổ chức và nhiều phong trào Công giáo và các hệ phái Kitô giáo.
Đến tham dự Hội nghị lúc 17g30 thứ Bảy, 28-10, Đức giáo hoàng Phanxicô đã đọc một bài diễn văn khá dài; đây là diễn văn lớn thứ 5 của ngài về châu Âu.
Mở đầu bài diễn văn, Đức giáo hoàng nói rằng “Thật là ý nghĩa khi Hội nghị này trước hết muốn là một cuộc đối thoại trong tinh thần thảo luận tự do và cởi mở, để làm phong phú lẫn nhau và để làm sáng tỏ con đường tương lai của châu Âu, đó là con đường mà tất cả chúng ta được kêu gọi cùng đi với nhau để vượt qua cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt và trước những thách đố đang chờ đợi chúng ta”.
Khởi đi từ hình ảnh của Thánh Bênêđictô, bổn mạng của châu Âu, Đức giáo hoàng nói: “Thánh Bênêđictô không quan tâm đến vị trí xã hội, sự giàu có hay quyền lực của một người. Ngài căn cứ vào bản tính chung của mỗi con người, vốn luôn yêu mến sự sống và muốn sống hạnh phúc, dù họ ở trong hoàn cảnh nào. Đối với Thánh Bênêđictô điều quan trọng không phải là nhiệm vụ, nhưng là những con người, không phải là tính từ, mà là danh từ. Đây là một trong những giá trị cơ bản mà Kitô giáo mang lại: ý thức rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Nguyên tắc này dẫn đến việc xây dựng các tu viện, để rồi trở thành cái nôi của con người, của văn hoá, của sự phục hưng tôn giáo và kinh tế của lục địa này”.
Từ đó, Đức giáo hoàng nhấn mạnh đến hai đóng góp chính mà Kitô giáo cống hiến cho Châu Âu, và có thể trong tương lai nữa. <span title="The first, “and perhaps the greatest” contribution Christians can make to Europe is " to="" remind="" her="" that="" she="" is="" not="" a="" mass="" of="" statistics="" or="" institutions,="" but="" made="" up="" people.”="" the="" second="" contribution="" related="" first:="" “to"="">Thứ nhất, “và có lẽ là sự đóng góp lớn lao nhất” của Kitô giáo đối với châu Âu là “nhắc cho châu Âu nhớ rằng châu Âu không phải là một tập hợp các con số hay các tổ chức, nhưng được làm nên từ những con người”. Tiếp theo,“nhìn nhận người khác trước hết là một con người nghĩa là đề cao điều liên kết tôi với người ấy. Sự kiện chúng ta là những con người nối kết chúng ta với người khác, làm cho chúng ta trở thành một cộng đồng. Vì thế, đóng góp thứ hai mà Kitô giáo có thể cống hiến cho tương lai của châu Âu là tái khám phá ý thức thuộc về một cộng đồng”.
Các Kitô hữu khám phá rằng “căn tính của họ trước hết có tính tương quan. Họ liên kết với người khác như những thành phần của một thân thể là Hội Thánh (x. 1 Cr 12,12), và mỗi người, với căn tính độc đáo và tài năng của mình, sẵn sàng chia sẻ vào công việc chung là xây dựng thân thể ấy”. 
Và “Gia đình, như cộng đoàn đầu tiên, vẫn là nơi cơ bản nhất của khám phá này. Nét đa dạng ở nơi gia đình được đề cao và đồng thời hiểu được trong sự hiệp nhất. Gia đình là sự kết hợp hài hoà những khác biệt giữa người nam và người nữ, sự kết hợp ấy càng xác thực và sâu xa hơn khi nó sinh sôi, có khả năng mở ra cho sự sống và cho người khác. Cũng vậy, một cộng đồng dân sự sẽ đầy sức sống nếu biết mở ra, nếu biết đón nhận sự đa dạng và tài năng của từng người, đồng thời nếu biết sản sinh sự sống mới, cũng như tạo ra phát triển, việc làm, đổi mới và văn hoá”.
“Như thế, con người và cộng đồng là những nền tảng của châu Âu mà người Kitô hữu chúng ta muốn và có thể đóng góp vào việc xây dựng những nền tảng ấy. Những viên đá của toà nhà này là: đối thoại, hòa nhập, liên đới, phát triển và hoà bình”.
Trong phần cuối diễn văn, Đức giáo hoàng trích dẫn Thư gửi Diognetus, một tài liệu có từ thời đầu của Kitô giáo, như sau: “linh hồn là gì đối với thể xác, thì người Kitô hữu đối với thế giới cũng như vậy” (Thư gửi Diognetus, VI). Và Đức giáo hoàng nói: “Lúc này, người Kitô hữu được kêu gọi mang lại cho cho châu Âu một linh hồn, thức tỉnh lương tâm của châu Âu, không phải để bành trướng –như thế là lôi kéo tín đồ– nhưng là để khuyến khích các tiến trình (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 223) sẽ tạo ra những động lực mới trong xã hội. Đây đúng là điều mà Đức Phaolô VI, không phải ngẫu nhiên, đã công bố Thánh Bênêđictô là bổn mạng của châu Âu: Thánh nhân không quan tâm đến việc bành trướng giữa một thế giới đang mất phương hướng và rối ren. Được đức tin nâng đỡ, ngài đã nhìn xa hơn và từ một hang động nhỏ Subiaco ngài đã khai sinh một phong trào có sức lan toả và lôi cuốn, vẽ lại khuôn mặt của châu Âu”.
Cuối cùng Đức giáo hoàng dâng lời cầu nguyện: “Xin thánh Bênêđictô –là sứ giả hoà bình, là người xây dựng sự hiệp nhất và bậc thầy của nền văn minh – cho chúng ta là những Kitô hữu của thời nay, hiểu rõ rằng một niềm hy vọng vui tươi, xuất phát từ đức tin, có thể thay đổi thế giới ra sao.
 
<span title="The first, “and perhaps the greatest” contribution Christians can make to Europe is " to="" remind="" her="" that="" she="" is="" not="" a="" mass="" of="" statistics="" or="" institutions,="" but="" made="" up="" people.”="" the="" second="" contribution="" related="" first:="" “to"="" style="font-size: 12pt;">
Minh Đức
Nguồn: HĐGMVN