Sứ điệp đặc biệt nhắc tới các ngư phủ, là những người cũng sống ngoài biển nhiều tháng trời. Nghề đánh cá là một trong các nghề nguy hiểm nhất
VATICĂNG: Trong sứ điệp gửi nhân Ngày Chúa Nhật của Biển mùng 9 tháng 7, ĐHY Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ phục vụ phát triển con người toàn diện, kêu gọi bảo vệ quyền lợi và thăng tiến cuộc sống của những người sống về nghề biển.
ĐHY viết trong sứ điệp gửi các linh mục tuyên uý, các thiện nguyện viên, thân hữu và những người ủng hộ Tông Đồ Biển như sau: Chúa Nhật của Biển mời gọi chúng ta thừa nhận và bầy tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với lực lượng to lớn gồm 1,5 triệu công nhân làm việc trong lãnh vực này, đa số thuộc các nước đang trên đường phát triển. Nhờ công việc nặng nhọc cam go và các hy sinh của họ cuộc sống của chúng ta được tiện nghi hơn. Vì họ chuyên chở 90% mọi loại hàng hoá và sản phẩm từ nước này sang nước khác. Mặc dù phần đóng góp nòng cốt của họ cho nền kinh tế thế giới, các công nhân này gặp nhiều khó khăn và phải đương đầu với các thách đố ảnh hưởng nghiêm trọng trên cuộc sống của họ và gia đình họ.
Tuy có nhiều tiến bộ kỹ thuật giúp cải tiến sự thông truyền giữa các công nhân nghề biển, nhưng họ phải sống xa gia đình nhiều tháng trời. Đây là hy sinh thường âm hưởng trên cuộc sống gia đình của họ. Các bà mẹ phải sống và giáo dục dưỡng nuôi con cái một mình, vì người cha luôn luôn vắng mặt. Trong công tác mục vụ chúng ta phải đặc biệt chú ý tới các gia đình của các công nhân này và hỗ trợ họ bằng cách thành lập các nhóm các bà vợ để họ nâng đỡ trợ giúp nhau.
** Việc sử dụng các phương tiện truyền thông tân tiến giúp các công nhân nghề biển liên lạc với bạn bè khắp nơi trên thế giới, nhưng giữa họ với nhau lại có nguy cơ cô đơn, mỗi người sống trong thế giới ảo của mình. Nhiệm vụ của các tông đồ biển khi thăm viếng họ trên tầu là tìm tạo ra sự kết nối nhân bản, củng cố truyền thông nhân bản để tránh sự cô lập, đơn độc và trầm cảm, là các lý do dẫn đến chỗ tự tử của các công nhân.
Ngoài ra nạn khủng bố đe dọa khắp nơi đòi hỏi phải có các biện pháp an ninh giới hạn không cho các thuỷ thủ lên đất liền tại các hải cảng. Phải làm sao bảo đảm cho các công nhân không bị kỳ thị vì bất cứ lý do chủng tộc tôn giáo nào. Cần bảo đảm cho họ được săn sóc sức khoẻ trên đất liền. Tuy có các luật lệ quốc tế bắt đầu có hiệu lục từ tháng 8 năm 2013 vẫn còn có nhiều công nhân bị lừa đảo tiền lương, bị khai thác bóc lột và lạm dụng tại nơi làm việc, bị kỳ thị và kết tội một cách bất công vì các tại nạn biển và bị bỏ rơi trong các hải cảng xa lạ. ĐHY Turkson yêu cầu các giới chức hữu trách chú ý tới thực tại này để phòng ngừa hay sửa chữa các bất công đó.
Ngoài ra còn có nạn cướp biển vũ trang hoành hành khiến cho mạng sống của các công nhân gặp nguy hiểm. Cần gia tăng các biện pháp bảo vệ an ninh cho họ.
Sứ điệp đặc biệt nhắc tới các ngư phủ, là những người cũng sống ngoài biển nhiều tháng trời. Nghề đánh cá là một trong các nghề nguy hiểm nhất, nhưng lương của các ngư phủ thường thấp hơn lương của các thuỷ thủ. Lãnh vực đánh cá cũng bị ảnh hưởng vì các vụ buôn người và lao động cưỡng bách, hay đánh cá bất hợp pháp. Tất cả các vấn để của họ sẽ được thảo luận trong đại hội quốc tế lần thứ 24 nhóm tại Cao Hùng bên Đài Loan vào tháng 10 tới đây. ĐHY Turkson mời các chuyên viên, các linh mục tuyên uý và thiện nguyện viên tham dự đại hội và góp phần cải tiến cuộc sống của các công nhân biển và các ngư phủ. Trong dịp này Bộ cũng sẽ củng cố sự cộng tác giữa tổ chức Tông đồ Biển của các quốc gia, góp chung các kinh nghiệm cụ thể và các tài lực nhằm phát triển các chuyên môn đặc biệc trong lãnh vực đánh cá (REI 9-7-29017)
Linh Tiến Khải
Nguồn: Radio Vatican