Chúa nhật VI Thường Niên A

Lời Chúa: Bài đọc 1: Hc 15,15-20; Bài đọc 2: 1Cr 2,6-10; Tin mừng: Mt 5,17-37
Tác giả: Ban Mục vụ Thánh Kinh & Ban Phụng tự TGP Sàigòn

(17) "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. (18) Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.  (19) Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời. (20) "Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. (21) "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; Ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà.  (22) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. (23) Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, (24) thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. (25) Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. (26) Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng. (27) "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. (28) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. (29) Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi ; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. (30) Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi ; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục. (31) "Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. (32) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình ; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình. (33) "Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. (34) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. (35) Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. (36) Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. (37) Nhưng hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.

Bài giảng Chúa nhật VI Thường Niên A

Tải file tại đây: Bài giảng Thánh lễ Chúa nhật VI Thường Niên A

GIỮ LUẬT VỚI TINH THẦN YÊU MẾN
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ.
Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”
 (Mt 5,17)

Các bài đọc hôm nay cho chúng ta biết tầm quan trọng và tinh thần giữ Lề Luật Thiên Chúa. Hạnh phúc ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp Chúa Trời. Luật Thiên Chúa là đường lối dẫn chúng ta vào cánh cửa của sự sống, còn đi lệch đường lối của Thiên Chúa thì dẫn tới sự chết. Trong việc thi hành những điều luật Thiên Chúa bảo ban, tình yêu là điều quan trọng nhất. Chúng ta chỉ chu toàn và hoàn thiện Lề Luật khi chúng ta thực thi chúng bằng tâm tình yêu mến. Thánh Phaolô đã nhấn mạnh điều đó khi khuyên các tín hữu Rôma: “Yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,10). 
1. Bài đọc I (Hc 15,15-20)
Bài đọc I trích sách Huấn Ca hôm nay nói về việc tuân giữ Lề Luật và trách nhiệm cá nhân của con người trước những đòi buộc của Lề Luật. Thiên Chúa là Đấng chỉ cho con người con đường hướng đến sự thiện và sự sống. Để đạt tới cùng đích tốt lành đó, con người cần ý thức vai trò quan trọng của mình trong việc cộng tác vào kế hoạch của Thiên Chúa, qua việc đáp trả và thực thi thánh ý của Người. Thiên Chúa đã ban cho con người quà tặng cao quý khi tạo dựng nên họ, đó là sự tự do.
Con người hoàn toàn tự do trước những lựa chọn trong cuộc sống: “Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy”. Đồng thời, hệ quả của cuộc sống là tùy thuộc vào sự chọn lựa đầy tự do của con người: “Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó”. Hơn nữa, Thiên Chúa muốn con người dùng tự do của mình một cách đúng đắn và Người yêu thương những ai bước theo đường lối hoàn thiện: “Người để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người, và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện”. Con người sẽ phát triển cách trọn vẹn sự tự do của mình khi thực hiện những chọn lựa đúng với thánh ý Thiên Chúa. 
2. Bài đọc II (1Cr 2,6-10)
Trong Bài đọc II trích thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà thánh nhân đang trải nghiệm. Trong đoạn thư trước đó thánh Phaolô khẳng định rằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa đó chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh trên thập giá vì yêu thương nhân loại: “Trong khi người Dothái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hylạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,22-23). Sự khôn ngoan của Thiên Chúa không theo lẽ tính toán hơn thua của con người, nhưng theo lý lẽ của tình yêu đích thực của Người dành cho những ai yêu mến Người. Quả thật, Thiên Chúa không mặc khải sự khôn ngoan của Người cho những bậc thông thái theo kiểu thế gian, như thánh Phaolô viết: “Lẽ khôn ngoan ấy, không một ai trong các thủ lãnh thế gian này đã được biết, vì nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá”. Tuy nhiên, Thiên Chúa mặc khải cho những ai có tâm hồn đơn sơ, thành tâm đón nhận với lòng yêu mến Người, nhờ Thần Khí. Ngày nay, việc sống theo thánh ý của Thiên Chúa qua các giá trị Tin Mừng cũng có thể bị cho là sự điên dại theo cách nhìn khôn ngoan người đời, vì có thể mất thời gian và thiệt thòi nhiều về vật chất, nhưng đó lại là một mối lợi vô giá cho những ai được Thiên Chúa yêu thương mặc khải cho.
3. Tin Mừng (Mt 5,17-37)
Đức Giêsu dạy cho con người biết tuân giữ Lề Luật cách đúng đắn. Việc giữ Lề Luật không hệ tại trên mặt chữ, nhưng đi vào chiều sâu của tinh thần giữ Luật. Việc tuân giữ Lề Luật không dừng lại ở cái hình thức bên ngoài, nhưng cần phải đạt tới chiều sâu trong tâm hồn, đó chính là tình yêu. Đây chính là sự tự do đích thực của nội tâm và là cao điểm của việc giữ Lề Luật. Khi nhắm đến điều này, Đức Giêsu bị người Dothái cho rằng Người đến để phá bỏ Lề Luật Cựu Ước, khi Người không giữ một số điều theo quy định của người Dothái, nhưng thực ra Đức Giêsu tôn trọng Lề Luật, dù một chấm một phết của Lề Luật sẽ không bị Người bỏ quên, vì Người đến để kiện toàn Lề Luật, là đem Lề Luật về đúng ý định ban đầu của Thiên Chúa.
Đức Giêsu đưa ra nhiều ví dụ cụ thể để minh họa cho tinh thần giữ Lề Luật mà Người đề cao. Chẳng hạn như: Luật dạy không được giết người, nhưng Đức Giêsu còn đi sâu hơn khi nhìn về điều cấm này. Không phải vì một hành vi giết người mà một người nào đó bị đưa ra tòa xét xử, nhưng còn hơn thế nữa, chỉ cần oán giận, chửi rủa anh em mình trong nội tâm thì cũng đáng bị “lửa hỏa ngục thiêu đốt”. Luật dạy không được ngoại tình, nhưng Đức Giêsu còn đòi buộc hơn nữa. Không phải vi phạm việc ngoại tình là đủ để kết tội, nhưng chỉ cần có ý muốn ngoại tình là đã phạm tội rồi. Đức Giêsu nhắm tới ý hướng của nội tâm, ước muốn của cõi lòng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo thật cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”.
Giữ Lề Luật là tuân giữ từ bên trong cõi lòng mới đạt tới mức trọn vẹn, chứ không chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài. Nếu chỉ chú trọng bên ngoài thì sẽ rơi vào tình trạng của các Kinh sư và người Pharisêu mà Đức Giêsu đã lên án. Thái độ nội tâm của việc giữ Lề Luật là điều tối quan trọng, rồi mới thể hiện ra bên ngoài. Thiên Chúa yêu thích tâm hồn chân thành bước theo đường lối của Người. Đây là điều làm đẹp lòng Người hơn cả. Không làm điều gì xấu đến người khác vẫn chưa đủ đối với những người muốn thuộc về Đức Kitô. Người đòi hỏi chúng ta còn làm hơn thế nữa và đi bước trước trong việc suy nghĩ tốt, làm điều tốt cho người khác. Đây là tinh thần của việc giữ Luật. Chúng ta giữ Lề Luật với thái độ nội tâm, chứ không hệ tại hình thức bên ngoài. Điều đó sẽ giúp chúng ta tránh được thái độ giả hình và hoàn thiện Lề Luật với tình yêu.