Cha Gioan B Vũ Mạnh Hùng

Tiểu sử Cha Gioan B.

  • 23/04/1956: Sinh tại Tam Hiệp - Biên Hòa, Đồng Nai

  • 10/08/1968: Tu học tại Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse, Tổng giáo phận Sài Gòn.

  • 1976-1982: Tu học tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse, Tổng giáo phận Sài Gòn.

  • 1982-1983: Lao động tại Nông Trường Lô 6, Củ Chi

  • 1983-1990: Công nhân Hợp Tác Xã Mây Tre Lá Bạch Đằng, Quận 1.

  • 20/12/1991: Phong chức Phó tế tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn

  • 21/12/1991: Thụ phong Linh mục tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn

  • 1992-1995: Linh mục phụ tá giáo xứ Trung Chánh, giáo hạt Hóc Môn

  • 1995-2002: Linh mục phụ tá giáo xứ Tân Hòa, giáo hạt Phú Nhuận

  • 15/07/2002- 30/06/2015: Linh mục chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ

  • 30/06/2015 đến nay: Linh mục chánh xứ giáo xứ Hà Đông, giáo hạt Xóm Mới

  • Tháng 08/2016: Quản hạt Giáo hạt Xóm Mới - Tổng giáo phận Sài Gòn.

Điều hành giáo xứ: từ ngày 15/07/2002 đến ngày 30/06/2015
Ngày 15/07/2002 cha Gioan Baotixita Vũ Mạnh Hùng nhận bài sai của Đức Tổng Gíam Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn về chăm sóc giáo xứ Vĩnh Hòa trong cương vị chánh xứ thay vị tiền nhiệm đi nghỉ hưu.
Trăn trở trước ngôi thánh đường xây dựng lâu năm nay đã xuống cấp trầm trọng, nên mỗi khi mưa xuống nền nhà thờ ngập tràn nước, gây rất nhiều khó khăn cho việc cử hành các nghi thức phụng vụ.
Trước sự quyết tâm của cha Gioan Baotixita cùng với sự đồng lòng của bà con giáo dân. Tòa TGM đã chấp thuận đơn xin xây dựng lại ngôi nhà thờ.
46.jpgNgày 24/06/2004, nhân dịp lễ sinh nhật Thánh Gioan Baotixita, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Sàigòn đã về dâng Thánh lễ tạ ơn và cử hành nghi thức Đặt viên đá đầu tiên, khởi công xây dựng lại Ngôi Thánh Đường.
Sau 3 năm xây dựng, ngôi nhà thờ được xây bằng đá uy nghi bền vững đã được hoàn thành. Với diện tích 12,5m x 33m trong khuôn viên đất chưa đầy 900m2 được thiết kế bởi linh mục Vinhsơn Phạm Trung Thành, Dòng Chúa Cứu Thế từ ý tưởng của linh mục chánh xứ GB. Vũ Mạnh Hùng sau một lần hành hương về Phát Diệm, ghé thăm Nhà Thờ Đá, được cảm hứng bởi lời Đức Giêsu:“Con người mà thinh lặng thì đá cũng lên tiếng”(Lc 19,40). Linh mục đã kể lại điều này cho giáo dân và được sự đồng tình. Với lối kiến trúc Á Đông mang nặng hồn Việt. Nhìn ngôi nhà thờ từ phía cuối tính từ đất lên tháp cao 27m; ba tầng, người xem cảm nhận hình bóng ngôi đình làng Việt Nam xưa. Nhận ra được những nét đẹp của văn hoá truyền thống cổ kính. Công trình quả là một lối diễn tả Đức tin theo truyền thống dân tộc. Mặt chính diện trên tầng tháp cao là bức tranh đá khắc hình Trống đồng Đông Sơn, lồng trong một khung vuông, gợi nhớ huyền thoại dựng nước thời Hùng Vương với sự tích bánh chưng (vuông) bánh dày (tròn) phản ánh triết lý sống của người Việt Nam ta là mong ước đạt đến sự viên mãn, hòa hợp trời và đất. Đó cũng là niềm tin và đích đến của người tín hữu là được hưởng một nền HOÀ BÌNH VĨNH CỬU trong nước Thiên Chúa. Phía trên cửa vòm là bức tranh khắc đá Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi thánh Gioan Baotixita, Đấng bảo trợ của Giáo xứ.Bên phải, bên trái và hai bên hông còn được trang trí nhiều bức tranh tạc trên đá gần thành tường Nhà thờ rất mỹ thuật, ghi lại cuộc đời Đức Kitô trong Tân Ước.
Phía trong Nhà thờ tầng trệt là chính diện 300 chỗ, cùng với tầng lửng 100 chỗ. Toàn bộ kết cấu phần móng, khung, mái, đều được đổ bê tông cốt thép. Tường Nhà thờ sử dụng đá thiên nhiên từ Thanh Hoá đem vào. Đá được các nghệ nhân, thợ đá lành nghề từ làng đá Hoa Lư – Ninh Bình, quê hương của Nhà Thờ Đá Phát Diệm chế tác. Điểm độc đáo là các viên đá đều được mài bóng theo qui cách 1m x 40 x 0,20m, mỗi viên nặng trên 150kg, các tảng đá chân đế, bệ cột nặng cả tấn đều được chạm trổ hoa văn công phu rồi đem chở vào Nam với gần trăm chuyến xe vận tải nặng, mỗi xe chỉ chở được 60 viên một lần.
Mặt tiền cung thành được trang trí bằng bức phông gỗ quý với những nét chạm khắc gỗ tinh xảo Tứ quí thực vật là Mai – Lan – Cúc – Trúc cùng những họa tiết Lân – Sư chầu toà được thể hiện như bày tỏ tấm lòng tôn kính của loài thụ tạo dâng lên Đấng tác thành mọi vật, mọi loài. Mười bốn chặng đàng Thánh giá cũng được thay đổi cho phù hợp với con đường khổ nạn. Chặng thứ I diễn tả Chúa lập phép Thánh Thể qua bữa tiệc ly. Chặng mười bốn là Chúa Phục Sinh được thể hiện dưới dạng gò đồng nổi rất thẩm mỹ và công phu.
Ngày 25/06/2007, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc - lúc đó là Giám mục Mỹ Tho cùng đông đảo các linh mục đã về dâng lễ tạ ơn Cung hiến Thánh Đường. Dịp này Đức Hồng y đã chính thức xác định tên Nhà thờ Đá Vĩnh Hoà. Ngài nhấn mạnh là đã nhìn thấy trong những viên đá sống động ấy biết bao giọt mồ hôi, nước mắt, biết bao công lao khó nhọc của giáo dân và mọi người xa gần.
Chắc hẳn từ ngôi Nhà thờ Đá này sẽ thôi thúc đời sống đức tin của người tín hữu ngày một vững vàng, chắc chắn hơn.
Ngày 30/06/2015, vâng lời bề trên trong tinh thần “dấn thân, phục vụ” cha Gioan Baotixita đã chia tay cộng đoàn Vĩnh Hòa để lên đường nhận xứ vụ mới nơi Giáo xứ HàĐông hạt Xóm Mới, trong niềm lưu luyến ngậm ngùi của cả cộng đoàn Giáo xứ.

Xem thêm: Thánh lễ Bổn mạng Thánh Gioan Tẩy giả 2015, chia tay Cha chánh xứ Gioan B.

47.jpg

48.jpg

49.jpg

L-10.JPG

I-29.jpg

L-22.JPG